Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện sinh khối, tối đa 2.091,74 đồng/kWh

Bộ Công Thương vừa phê duyệt khung giá phát điện của nhà máy điện sinh khối cho năm 2025, với mức giá áp dụng dao động từ 0 đến 2.091,74 đồng/kWh (chưa tính thuế giá trị gia tăng).

Bộ Công Thương vừa ký quyết định số 1008/QĐ-BCT ngày 14/4/2025 phê duyệt khung giá phát điện nhà máy điện sinh khối năm 2025.

Cụ thể, khung giá phát điện năm 2025 áp dụng cho nhà máy điện sinh khối quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 1 Thông tư số 09/2025/TT-BCT ngày 01/02/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hồ sơ, trình tự thủ tục, phương pháp xác định, phê duyệt khung giá phát điện; hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt khung giá nhập khẩu điện được quy định như sau: Khung giá phát điện cho nhà máy điện sinh khối năm 2025 là: 0 đến 2.091,74 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trong đó, mức giá tối đa là 2.091,74 đồng/kWh.

Căn cứ khung giá phát điện nhà máy điện sinh khối quy định tại Điều 1 Quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị phát điện ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở tuân thủ quy định về phương pháp xác định giá dịch vụ phát điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Nghị định 57 hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi) về cơ chế DPPA) được Chính phủ ban hành ngày 3/3, dự án điện sinh khối công suất trên 10 MW, đấu nối vào lưới quốc gia và tham gia thị trường bán buôn cạnh tranh được bổ sung tham gia cơ chế này.

Việc bán điện sẽ được thực hiện thông qua thị trường điện giao ngay hoặc mua bán qua tổng công ty điện lực. Cụ thể, giá thị trường điện giao ngay được hình thành dựa trên chi phí toàn phần của mỗi chu kỳ giao dịch, bao gồm tổng giá điện và công suất trên thị trường bán buôn.

Điện sinh khối là nguồn năng lượng tái tạo được sản xuất từ chất thải hữu cơ như cây trồng, rừng, rác thải hữu cơ và chất thải nông nghiệp. Theo số liệu từ Cục Điều tiết điện lực, hiện nay cả nước có 9 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất khoảng 332 MW. Dự kiến, đến năm 2030, sẽ có thêm 14 nhà máy điện sinh khối được đưa vào vận hành, bổ sung khoảng 300 MW cho hệ thống điện quốc gia.

Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng việc cho phép điện sinh khối tham gia cơ chế DPPA không chỉ góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp điện mà còn thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới nhằm mang lại giải pháp năng lượng sạch và bền vững về lâu dài. Ngoài ra, nhà máy điện sinh khối được đánh giá có tính ổn định cao và khả năng tích hợp tốt vào lưới điện, đồng thời tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như mở rộng cơ hội việc làm tại địa phương.

Theo quy định của Nghị định, DPPA có thể được thực hiện qua đường dây riêng (không bắt buộc thông qua EVN). Cụ thể, đơn vị phát điện tái tạo và khách hàng lớn (nhà máy, doanh nghiệp có nhu cầu điện cao) sẽ ký hợp đồng mua bán điện với điều kiện và giá thỏa thuận, nhưng không vượt mức tối đa của khung giá phát điện đã được quy định đối với nguồn năng lượng tương ứng.

Đối với phần điện dư thừa, bên phát có thể bán lại cho EVN thông qua hợp đồng mua bán, tuy nhiên công suất, sản lượng và giá bán không được vượt quá 20% tổng lượng điện phát lên hệ thống. Giá bán lại này sẽ được tính theo giá thị trường điện bình quân của năm liền kề, nhưng cũng không được vượt quá mức tối đa của khung giá phát điện của các nguồn tương đương, như trường hợp của điện mặt trời mặt đất.

Thêm vào đó, ngoài các khách hàng sản xuất điện chủ yếu, Nghị định 57 còn mở rộng đối tượng áp dụng DPPA cho các khách hàng sử dụng điện trong hoạt động kinh doanh dịch vụ sạc điện.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bo-cong-thuong-phe-duyet-khung-gia-phat-dien-sinh-khoi-toi-da-209174-dongkwh-97972.html
Zalo