Bộ Công Thương lên kịch bản ứng phó căng thẳng thương mại
Theo Bộ Công Thương, nếu Mỹ áp dụng bổ sung thuế 25% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ các nước, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường thương mại thế giới, Bộ Công Thương vừa có cập nhật về diễn biến thị trường châu Âu - châu Mỹ đầu năm.
Tình hình thương mại toàn cầu "nóng" lên
Cơ quan này cho biết gần đây, thương mại thế giới nổi lên 3 xu hướng rõ rệt gồm "phi toàn cầu hóa" hay phân mảnh trong thương mại quốc tế khiến các công cụ thuế quan được sử dụng trở lại. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thị trường thông qua các biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại hay các biện pháp phòng vệ thương mại cũng xuất hiện nhiều. Cuối cùng là các động thái chính sách khó đoán định khiến chuỗi cung ứng và sản xuất bị xáo trộn, tổn thương, thậm chí đứt gãy.
Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng... Mặt khác, các nước nhập khẩu cũng từng bước triển khai việc áp dụng những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường... khắt khe hơn với sản phẩm nhập khẩu.
"Những diễn biến trên thị trường quốc tế từ đầu năm đến nay càng phản ánh rõ ràng những xu hướng trên và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đà hồi phục của thị trường thế giới đặc biệt là thị trường Âu - Mỹ vốn là địa bàn xuất nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam", Bộ Công Thương đánh giá.
Đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích hoạt điều khoản về tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Thẩm quyền kinh tế khẩn cấp (IEEPA) với lý do để đối phó với tình trạng người nhập cư bất hợp pháp và chất gây nghiện vận chuyển trái phép vào nước này. Qua đó, làm căn cứ pháp lý cho việc áp thuế quan bổ sung 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico; 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngay sau đó, Canada và Mexico đã tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ và tạm thời được miễn trừ mức thuế nhập khẩu trong vòng một tháng.
Tuy nhiên, mức thuế và thời hạn áp dụng vẫn được giữ nguyên đối với Trung Quốc dẫn tới việc quốc gia này áp thuế trả đũa và hạn chế xuất khẩu nhiều loại khoáng sản quan trọng tới Mỹ.
Xây dựng các kịch bản trong nước
Trước diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo các Vụ thị trường nước ngoài, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt thông tin diễn biến thị trường, biến động kinh tế trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam nhằm kịp thời tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế cạnh tranh, 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và gần 70 cơ chế hợp tác song phương hiện có với các nước để khai thác có hiệu quả các thị trường trọng điểm và thị trường truyền thống, phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách, khai mở những thị trường tiềm năng mới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng, thông qua việc nghiên cứu, phổ biến thông tin, cơ hội tới các doanh nghiệp, đề xuất đàm phán các FTA mới với các thị trường có nhiều tiềm năng, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.
Đối với thị trường Mỹ, Bộ Công Thương cho biết về quan hệ kinh tế, thương mại, 2 nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của 2 nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau.
Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ 3, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ, ngược lại còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Mỹ được sử dụng hàng hóa giá rẻ của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đánh giá trụ cột kinh tế, thương mại sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Mỹ.
"Các vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại song phương nếu có sẽ được chủ động trao đổi thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA)", cơ quan này cho biết.
Bộ Công Thương dự báo nếu Mỹ áp dụng bổ sung thuế 25% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ các nước, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu vì thực tế, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có thể giảm xuống.