Bộ Công Thương lấy ý kiến việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu

Theo chuyên gia, việc lập sàn giao dịch xăng dầu cần phải xem xét đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện. Bởi hiện nay, chiếm cao nhất trong giá thành xăng dầu, lên đến 65% là giá thế giới, còn lại là thuế phí.

Nhà nước còn điều hành giá xăng dầu thì việc giao dịch trên sàn sẽ khó khăn

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) mới tổ chức Hội thảo thảo luận về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, việc lập sàn giao dịch xăng dầu cần phải xem xét đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện.

Bởi hiện nay, chiếm cao nhất trong giá thành xăng dầu, lên đến 65% là giá thế giới, còn lại là thuế phí. Trong khi đó, cả nước chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất xăng dầu, còn lại là nhập khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng việc lập sàn giao dịch xăng dầu cần xem xét kỹ lưỡng (Ảnh: MOIT).

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng việc lập sàn giao dịch xăng dầu cần xem xét kỹ lưỡng (Ảnh: MOIT).

Ông Nguyễn Xuân Hùng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lý giải kỹ hơn, hiện, thế giới chỉ có 2 Sàn Giao dịch xăng dầu tiêu biểu thành công là Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) cho thị trường dầu thô WTI và Sàn giao dịch London cho dầu thô Brent. 2 sàn này thành công là do tạo ra được một "sân chơi" đủ lớn, có khối lượng xăng dầu đủ lớn, có người mua, người bán…

Ngay cả Trung Quốc - thị trường xăng dầu lớn thứ 2 thế giới trước đây cũng đã muốn thành lập một sàn như vậy, nhưng không thành công.

"Vậy nếu Việt Nam thành lập Sàn Giao dịch xăng dầu thì có hoạt động độc lập được với các sàn của thế giới không? Tôi nghĩ là không vì dù Việt Nam là nước có xuất khẩu dầu thô, có nhà máy lọc dầu nhưng vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn dầu thô về để lọc và để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Tức là giá trong nước không thể độc lập, không thể không ảnh hưởng bởi giá thế giới", ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, hiện cơ chế ảnh hưởng lớn nhất là Nhà nước vẫn đang điều hành giá xăng dầu. Chừng nào Nhà nước còn điều hành giá xăng dầu thì việc giao dịch trên sàn sẽ khó khăn.

"Ví dụ hôm nay giá dầu thô xuống mạnh. Nếu giao dịch trên sàn, thì giá trên sàn sẽ cao hơn giá thị trường và doanh nghiệp phải chờ đến kỳ điều hành tiếp theo mới được điều chỉnh giá. Do đó, việc giao dịch sẽ khó khăn", ông Hùng lý giải.

Về phía các chuyên gia, PGS.TS Ngô Trí Long nêu ý kiến, đặc thù của thị trường xăng dầu Việt Nam là giá do Nhà nước điều hành. Trong khi đó, nếu thành lập sàn giao dịch xăng dầu thì phải tuân thủ theo quy định quốc tế chứ không thể “một mình một chợ”.

“Trước mắt, nên cho phép giao dịch liên thông các mặt hàng năng lượng tại MXV như Bộ Công Thương đã từng cho MXV thí điểm niêm yết giao dịch từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2024, để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm giá xăng dầu và đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu, xem xét để xem nên thành lập sàn giao dịch xăng dầu như thế nào cho phù hợp với thực tiễn”, PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.

DN muốn sàn giao dịch xăng dầu giống mô hình các sàn thương mại điện tử

Bàn luận về việc sàn giao dịch xăng dầu sẽ vận hành ra sao, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, mong muốn của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa là muốn có một sàn giao dịch xăng dầu theo mô hình của các sàn thương mại điện tử hiện nay.

Tại đó, các doanh nghiệp đầu mối công khai giá để các doanh nghiệp phân phối bán lẻ có thể mua. Mọi thứ đều công khai minh bạch.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình như vậy không phải là mô hình sàn giao dịch theo thông lệ quốc tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng chưa nên kiến nghị thành lập sàn giao dịch xăng dầu (Ảnh: Hữu Thắng).

Nhiều chuyên gia cho rằng chưa nên kiến nghị thành lập sàn giao dịch xăng dầu (Ảnh: Hữu Thắng).

Ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, khi đã có sàn giao dịch xăng dầu, cũng phải tính đến việc Nhà nước quản lý mặt hàng này như thế nào.

"Bởi khi thành lập sàn, Nhà nước đẩy giá cho doanh nghiệp quyết định. Vậy khi giá biến động thất thường thì làm thế nào? Chưa kể, vấn đề dự trữ lưu thông của doanh nghiệp, dự trữ quốc gia ra sao khi vấn đề này liên quan mật thiết đến an ninh năng lượng quốc gia?", ông Khanh phân tích.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, đây là hội thảo đầu tiên Bộ Công Thương thực hiện nhằm lắng nghe ý kiến của Hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia về việc thành lập sàn Giao dịch xăng dầu ở Việt Nam.

Các ý kiến cho dù mới ở bước đầu, nhưng rất đáng quan tâm. Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ tiếp tục lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội để vừa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, vừa xem xét, nghiên cứu thành lập một mô hình phù hợp với Việt Nam.

Thanh Loan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-cong-thuong-lay-y-kien-viec-thanh-lap-san-giao-dich-xang-dau-204240731214840959.htm
Zalo