Bộ Công Thương đề xuất cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3 tháng/lần
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (gọi tắt là giá điện).
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định quy định cơ chế và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trình Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn xem xét. Dự thảo này được xây dựng sau quá trình lấy ý kiến từ nhiều cơ quan, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6 tháng, nhằm làm cơ sở xác định lợi nhuận định mức trong tính toán chi phí sản xuất và kinh doanh điện.
Điều chỉnh tăng, giảm giá điện được thực hiện 3 tháng/lần.
Theo nội dung dự thảo, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được xem xét điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần, dựa trên biến động khách quan của các thông số đầu vào trong tất cả các khâu của ngành điện, bao gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ, điều độ vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và chi phí quản lý ngành. Ngoài ra, các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện trước đó cũng sẽ được cập nhật và phân bổ trong quá trình này.

Giá bán lẻ điện được điều chỉnh phù hợp theo thời gian
Trong năm, giá bán lẻ điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Khi giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.
Khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán nằm ngoài khung giá, chỉ được xem xét điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định. EVN được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán lẻ điện bình quân trong phạm vi khung giá theo cơ chế quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định này.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
Quy định cụ thể thời điểm giảm giá bán lẻ điện bình quân
Theo dự thảo, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 2% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân của EVN, Bộ Công Thương có trách nhiệm có ý kiến bằng văn bản. EVN quyết định việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sau khi Bộ Công Thương có ý kiến. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để giám sát.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân của EVN, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để giám sát;
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.
Điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong năm
Hàng năm, trước ngày 25 của tháng đầu tiên trong quý II, quý III và quý IV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiến hành rà soát sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước, tổng sản lượng cộng dồn từ đầu năm và dự báo sản lượng các tháng còn lại. Đồng thời, EVN xác định chi phí phát điện của quý trước, tổng chi phí từ đầu năm (bao gồm chi phí mua điện từ các nhà máy cung cấp dịch vụ phụ trợ), cùng ước tính chi phí phát điện cho các tháng tiếp theo dựa trên thông số đầu vào cơ bản và các khoản chi phí chưa tính vào giá điện, nhằm tính toán lại giá bán lẻ điện bình quân theo công thức quy định.
Nếu giá tính toán giảm từ 1% trở lên so với mức hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá tương ứng và báo cáo Bộ Công Thương để giám sát. Trong trường hợp giá cần tăng từ 2% đến dưới 5%, EVN lập phương án gửi Bộ Công Thương kiểm tra. Bộ Công Thương phản hồi trong 15 ngày làm việc, sau đó EVN quyết định điều chỉnh và báo cáo lại trong 5 ngày.
Khi giá tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận trong 15 ngày làm việc, đồng thời báo cáo kết quả trong 5 ngày sau điều chỉnh. Nếu giá tăng từ 10% trở lên, Bộ Công Thương sẽ chủ trì kiểm tra, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp trình Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.
Quy trình này đảm bảo giá điện được cập nhật kịp thời, phản ánh biến động chi phí thực tế trong năm.