Bộ Công Thương đào tạo chuyển đổi số cho các Ban quản lý chợ, tiểu thương
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức đào tạo chuyển đổi số cho Ban quản lý chợ và tiểu thương.
Ngày 2/7/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình đào tạo chuyển đổi số cho các Ban quản lý chợ, tiểu thương tại địa bàn thành phố.
Đây là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng và năng lực ứng dụng công nghệ số cho bà con tiểu thương chợ truyền thống. Thông qua chương trình, các Ban quản lý chợ và tiểu thương sẽ được trang bị kiến thức thực tiễn về thương mại điện tử, phương thức thanh toán số, quản lý bán hàng trên nền tảng số, quảng bá sản phẩm trực tuyến, giúp họ thích ứng nhanh với xu thế chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại.
Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu để bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc chương trình đào tạo.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu để các địa phương, doanh nghiệp và người dân bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới. Với thương mại điện tử, chúng ta thấy rõ tiềm năng khổng lồ trong việc phá bỏ rào cản địa lý, mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng một cách chưa từng có và trở thành một trong những phương thức quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia hiện nay.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đặt ra một số các thách thức với các chợ truyền thống, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng dần có xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử. Các nền tảng thương mại điện tử không chỉ cung cấp giá ưu đãi mà còn tổ chức các hoạt động như livestream bán hàng, thu hút người tiêu dùng. Dịch vụ đi chợ trực tuyến tại các khu vực đông dân cư càng khiến người dân chuyển dịch khỏi chợ truyền thống. Từ thực tiễn này cho thấy sự cần thiết xây dựng thể chế, chính sách và kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia hướng đến phát triển thương mại điện tử bền vững mà trong đó, chuyển đổi số tiểu thương chợ truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Tham gia chương trình đào tạo có các chuyên gia tới từ Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh , các doanh nghiệp đang cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho chợ và tiểu thương hiện nay (Sapo, Haravan, ViHat, Mắt Bão); sàn thương mại điện tử TikTok Shop. Tại chương trình đào tạo, Ban quản lý chợ và tiểu thương tham gia sẽ được trang bị kiến thức thực tiễn về thương mại điện tử, phương thức thanh toán số, quản lý bán hàng trên nền tảng số, quảng bá sản phẩm trực tuyến, giúp họ thích ứng nhanh với xu thế chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Bí Thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại chương trình đào tạo.
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030
Trong khuôn khổ chương trình đào tạo, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền đã trình bày Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 tại Quyết định số 1568/QĐ-BCT ngày 3/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trong đó, mục tiêu của kế hoạch sẽ tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh và không ngừng mở rộng quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam. Đồng thời, tăng cường tiêu thụ sản phẩm Việt Nam thông qua thương mại điện tử, mở ra thị trường rộng lớn hơn cho hàng hóa nội địa cả trong và ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh giao dịch xuyên biên giới.
Bên cạnh đó là việc thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương, đảm bảo rằng lợi ích của thương mại điện tử được phân bổ đồng đều, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn; phát triển thương mại điện tử theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững, hướng đến một nền kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) trình bày về chương trình Chuyển đổi số tiểu thương, chợ truyền thống.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, kế hoạch quốc gia đã định hướng 6 nhóm giải pháp trọng tâm: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; hoàn thiện hạ tầng cho thương mại điện tử bền vững; xây dựng các nền tảng, hệ thống cốt lõi; tăng cường liên kết vùng trong thương mại điện tử; nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử.
Số hóa chợ truyền thống và tiểu thương
Tại chương trình đào tạo, ông Nguyễn Hồng Vũ - Viện trưởng Viện chuyển đổi số Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ cho các Ban quản lý chợ và tiểu thương giải pháp chuyển đổi số công tác quản lý chợ truyền thống.

Các chuyên gia tham gia chương trình đào tạo cho các Ban quản lý chợ, tiểu thương tại TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, trong phiên Tọa đàm, Ban quản lý chợ và các tiểu thương đã có cơ hội lắng nghe các chia sẻ và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia tới từ các doanh nghiệp giải pháp Sapo, Haravan, ViHat để được cung cấp các kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm triển khai và công cụ để chuyển đổi số trong quá trình kinh doanh.

Tọa đàm chia sẻ từ các chuyên gia về các giải pháp chuyển đổi số tiểu thương chợ truyền thống.
Không khí trao đổi, thảo luận tại chương trình đào tạo diễn ra sôi nổi. Nhiều tiểu thương chia sẻ thẳng thắn các khó khăn thực tế và được hướng dẫn trực tiếp cách xử lý. Việc tích hợp giữa cập nhật pháp lý, thực hành công nghệ, hỗ trợ trực tiếp giúp chương trình không chỉ mang tính đào tạo, mà còn đóng vai trò như một diễn đàn kết nối thực tiễn và giải pháp.

Tiểu thương tham gia chia sẻ, thảo luận với các chuyên gia trong tọa đàm.
Tiểu thương ứng dụng thương mại điện tử để bắt kịp “dòng chảy chuyển đổi số quốc gia”
Không chỉ cung cấp các kiến thức thực tiễn, chương trình đào tạo còn là cơ hội để Ban quản lý chợ và các tiểu thương trải nghiệm thực tế quá trình livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử TikTok Shop và được chuyên gia đào tạo tới từ TikTok Shop chia sẻ, hướng dẫn các bước để thực hiện vận hành cửa hàng online, livestream bán hàng. Các đại diện tới từ các Ban quản lý chợ, tiểu thương đã tích cực tham gia học hỏi, thảo luận, thực hành tại các gian hàng số và phiên livestream bán hàng trực tiếp, từ đó rèn luyện kỹ năng, tiếp cận công nghệ, tăng cường khả năng vận hành kinh doanh trực tuyến.


Một số các đại biểu, tiểu thương, ban quản lý chợ tại TP. Hồ Chí Minh tham gia sự kiện.
Với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh, các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành và sự tham gia tích cực của cộng đồng tiểu thương, ban quản lý chợ, chương trình đã cung cấp cho các học viên kiến thức thực tiễn, trải nghiệm chân thật để học viên có thể thực hiện việc chuyển đổi số phù hợp với nhu cầu thực tế của Ban quản lý chợ và tiểu thương.