Bộ Công Thương chỉ đạo 'nóng' về các sàn thương mại điện tử nước ngoài không phép

Bộ Công thương yêu cầu các cơ quan, đơn vị hướng dẫn người dân tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài khi chưa được cấp phép xác nhận; tăng cường giám sát, phát hiện kho hàng của các sàn thương mại điện tử này tại Việt Nam.

Giao diện trang web Temu Việt Nam.

Giao diện trang web Temu Việt Nam.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có văn bản chỉ đạo các cục, vụ chức năng tăng cường các biện pháp giám sát, quản lý đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài hoạt động tại Việt Nam khi chưa có đăng ký với Bộ Công Thương.

Cụ thể, theo văn bản chỉ đạo, trong thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng tại Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông.

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.

Đặc biệt, yêu cầu người dân tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

"Trong tháng 10/2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp," Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ trưởng Công Thương cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng nền tảng thương mại xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.

Cũng trong văn bản chỉ đạo, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Yêu cầu Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép.

Trước đó, trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3/2024 chiều 23/10 về việc sàn thương mại điện tử Temu đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, theo quy định của Nghị định 85/2021 sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký với Bộ Công Thương.

Đối với sàn Temu hiện đang bán hàng tại Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử, trong khi Indonesia đã cấm sàn này và một số nước bày tỏ sự quan ngại đối với sàn này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời báo chí tại họp báo ngày 23/10. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời báo chí tại họp báo ngày 23/10. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN.

"Bộ Công Thương sẽ triển khai đề án để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái. Về giá cả, tôi cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ, nhưng phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, vì chưa thể khẳng định giá đó thật hay không. Trước hết, phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường," Thứ trưởng nói và cho biết sẽ có thông tin về kết quả và có giải pháp để kiểm soát phù hợp.

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm 2024

Theo báo cáo của nền tàng phân tích dữ liệu thương mại điện tử Metric, trong 9 tháng đầu năm, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Với hơn 580.000 cửa hàng trực tuyến đang hoạt động, tổng doanh số tính trên tất các sàn đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng sản phẩm bán ra cũng tăng mạnh, đạt 2,43 triệu sản phẩm, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến và lan rộng trong xã hội, đặc biệt sau những biến động của đại dịch Covid-19.

Theo Metric, một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng này là sự kết hợp giữa mô hình giải trí và mua sắm, nổi bật nhất là TikTok Shop. Đáng chú ý, doanh số của TikTok Shop đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy chiến lược hiệu quả trong việc tận dụng nội dung giải trí để thu hút người tiêu dùng.

Ảnh minh họa: Mekong ASEAN.

Ảnh minh họa: Mekong ASEAN.

Shopee cũng duy trì vị thế dẫn đầu với sự tăng trưởng ổn định, trong khi Tiki, dù vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng âm so với 2023, nhưng đã cho thấy những dấu hiệu tích cực với mức tăng trưởng doanh thu lên tới 38,1% trong quý 3/2024.

Lazada, từng là một trong những “ông lớn” trong ngành, được sự hậu thuẫn từ gã khổng lồ Alibaba của Trung Quốc, nhưng hiện sàn này cũng đang gặp khó khăn trong việc giữ chân người dùng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Sendo, một nền tảng “cây nhà lá vườn” cũng gặp nhiều thách thức tương tự, khi thị phần đang dần bị co hẹp trước sự vươn lên của các đối thủ mạnh.

Theo dự báo của Metric, quý 4/2024 sẽ là giai đoạn quan trọng cho thương mại điện tử Việt Nam, với tổng doanh số dự kiến đạt 80.600 tỷ đồng và 870 triệu sản phẩm được bán ra. Đặc biệt, tháng 11 và 12 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các hoạt động mua sắm chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, với mức tăng trưởng doanh số lần lượt 20% và 35% so với cùng kỳ năm trước. Đây là cơ hội lớn cho các sàn thương mại điện tử tận dụng để đẩy mạnh doanh thu.

Temu còn được gọi là nền tảng mua sắm giảm giá quốc tế, thuộc sở hữu của PDD Holdings (Trung Quốc). Sau khi ra mắt tại Philippines và Malaysia từ năm ngoái, Temu đã chính thức bắt đầu giao hàng tại Thái Lan vào tháng 7/2024.

Xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 10, trang web Temu Việt Nam chỉ mới có ngôn ngữ tiếng Anh và đang được bổ sung tiếng Việt tại trang web Temu Việt Nam cũng như ứng dụng Temu trên điện thoại.

Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam sẽ phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Điều này nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan.

Hiện sàn Temu đang hoạt động tại tổng cộng 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, nền tảng này đang chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng (không phải ví điện tử địa phương) và chưa cho phép người dùng Việt Nam thanh toán khi nhận hàng. Bên cạnh đó, chỉ có hai đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần là Ninja Van và Best Express được kết nối với sàn này.

Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, ngày 24/10 vừa qua, Tsàn Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bo-cong-thuong-chi-dao-nong-ve-cac-san-thuong-mai-dien-tu-nuoc-ngoai-khong-phep-34930.html
Zalo