Bộ Công an kiến nghị bịt kín hàng loạt 'lỗ hổng' sau vụ án FLC
Thông qua công tác điều tra về vụ án 'Thao túng thị trường chứng khoán' và 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros và các công ty có liên quan, Bộ Công an kiến nghị đến các cơ quan chức năng các biện pháp tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thị trường, chứng khoán, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.
Theo đó, Bộ Công an đề nghị Bộ Tài chính phối hợp và thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an về diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán; các hoạt động đăng ký, niêm yết, phát hành, đầu tư, giao dịch cổ phiếu.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô để ổn định tâm lý nhà đầu tư, tạo niềm tin vào thị trường và nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, qua đó góp phần giúp các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và hiệu quả.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp phát hành và các thành viên của thị trường chủ động, công bố thông tin theo quy định, không để xảy ra các vi phạm về công bố thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tăng cường công tác nắm tình hình thị trường chứng khoán để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; đặc biệt là các hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán và phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý trong xác định thiệt hại cho nhà đầu tư; có cảnh báo sớm, quản lý rủi ro và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đề nghị Ủy ban Chứng khoán tăng cường công tác giám sát thị trường chứng khoán. Kịp thời nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường và phát hiện các giao dịch của các mã cổ phiếu được lôi kéo, hô hào thông qua các hội nhóm online, các diễn đàn, mạng xã hội, có biến động giá thuộc tiêu chí giám sát của Sở giao dịch chứng khoán để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Tăng cường thanh tra, giám sát các doanh nghiệp đăng ký công ty đại chúng, làm thủ tục đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán; phát hành, các tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa các hành vi sai phạm; trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, nhất là doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký niêm yết lên sàn chứng khoán; doanh nghiệp có hoạt động chào bán/phát hành trái phiếu có dấu hiệu không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm là dự án, cổ phiếu của chính doanh nghiệp dự án đó, có dấu hiệu trái quy định pháp luật, lừa đảo nhà đầu tư.
Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, trao đổi, lựa chọn một số mã cổ phiếu, trái phiếu, vụ việc nổi cộm để tập trung phối hợp kiểm tra, xác minh, làm rõ đối tượng, hành vi, tính chất vụ việc (hành chính, hình sự) để xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử về các vụ việc có dấu hiệu “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại các Công ty niêm yết, Công ty Chứng khoán khác bị phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra với hành vi, thủ đoạn tương tự của các đối tượng trong các vụ án trên để chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an để kịp thời giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.
Triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch, đảm bảo duy trì hoạt động liên tục và ổn định của thị trường.
Xem xét xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho mượn tài khoản chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng theo quy định tại khoản 1, Điều 34, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 đối với các cá nhân, pháp nhân (mở tài khoản chứng khoán từ 01/01/2021 đến có danh sách kèm theo). Hình thức: “Đình chỉ giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên các tài khoản nhà đầu tư cho người khác mượn để giao dịch chứng khoán hoặc đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán trong thời hạn 06 tháng đến 12 tháng”.
Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đặc biệt, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật, cấm doanh nghiệp ủy thác đầu tư bằng vốn doanh nghiệp đối với cá nhân là cổ đông của chính doanh nghiệp hoặc cá nhân tổ chức có liên quan đến cổ đông của doanh nghiệp.
Sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định cụ thể, rõ về thời hạn hoàn góp vốn của cổ đông đối với trường hợp doanh nghiệp tăng vốn; quy định về trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân (ngoài cơ quan quản lý nhà nước) đối với các hoạt động liên đến vốn quan điều lệ của doanh nghiệp; quy định chức năng, nhiệm vụ giám sát của cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý, nhằm loại trừ trường hợp có sự cấu kết, thông đồng, cố tình làm ngơ, bao che của một bộ phận cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Quy định kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp đảm bảo dòng vốn góp vào doanh nghiệp là dòng tiền thật và chỉ để sử dụng vào việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải để dùng mục đích quay vòng tăng khống vốn điều lệ; tăng cường chế tài xử phạt và xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe.