Bộ Công an đề xuất không công khai hàng loạt nhóm thông tin, dữ liệu quan trọng
Tại dự thảo Luật Dữ liệu, nhằm bảo vệ an toàn thông tin cá nhân và an ninh quốc gia, Bộ Công an đã đề xuất các nhóm dữ liệu không được công khai, nhóm dữ liệu được công khai có điều kiện.
Theo dự thảo Luật Dữ liệu, các nhóm dữ liệu không được phép công khai gồm: Dữ liệu cá nhân mà chủ thể không đồng ý chia sẻ; Dữ liệu là bí mật nhà nước’ Dữ liệu liên quan đến quốc phòng, an ninh; Dữ liệu có khả năng gây nguy hại đến lợi ích Nhà nước và quan hệ quốc tế;
Dữ liệu có thể ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; Dữ liệu gây nguy hại đến tính mạng, tài sản của người khác; Thông tin thuộc bí mật công tác; Tài liệu nội bộ của cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đề xuất các nhóm dữ liệu được công khai có điều kiện, gồm dữ liệu liên quan đến bí mật kinh doanh; đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Những thông tin này chỉ được phép tiếp cận trong trường hợp chủ thể đồng ý. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cơ quan nhà nước được cung cấp dữ liệu trên vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng mà không cần có sự đồng ý.
Đặc biệt, dự thảo còn nêu ra hàng loạt các hành vi bị nghiêm cấm, đó là lợi dụng việc xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ xử lý dữ liệu; Thu thập, cung cấp, sử dụng, truy cập, tiết lộ, hiển thị, phát tán, chia sẻ trái pháp luật dữ liệu;
Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ dữ liệu; Gian lận, chiếm đoạt hoặc sử dụng dữ liệu trái pháp luật;
Cố ý cung cấp thông tin sai lệch hoặc không cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật; Kinh doanh, mua bán, trao đổi dữ liệu trái pháp luật…
Về sự cần thiết xây dựng Luật Dữ liệu, theo Bộ Công an, mục đích chính là tạo sự thống nhất và đồng bộ trong việc sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Luật này sẽ điều chỉnh toàn diện về hoạt động xử lý, quản trị và điều phối dữ liệu, xác định rõ công tác quản lý Nhà nước về dữ liệu và phát triển các mô hình ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu. Đồng thời, Luật cũng nhằm phục vụ phát triển Chính phủ số, cải cách thủ tục hành chính, và thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu, hỗ trợ phát triển các sản phẩm và dịch vụ dựa trên dữ liệu.
Việc ban hành Luật Dữ liệu là một bước đi quan trọng và cần thiết trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo hiệu quả sử dụng thông tin, tăng cường minh bạch, và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.