Bố con cà khịa và những bức thư - thế giới từ cái nhìn trẻ thơ

Một trong những lực lượng sáng tác tạo nên gam màu tươi sáng, rực rỡ và trong trẻo trong bức tranh văn học thiếu nhi chính là những cây bút nhỏ tuổi. Những sáng tác của các em thật sự khác biệt với sáng tác của người lớn vì luôn được nhìn từ góc nhìn trẻ thơ thuần khiết - điều mà không cây bút người lớn nào có thể có được khi tuổi thơ với họ giờ chỉ là hoài niệm và hồi tưởng. Từ cái nhìn đó, thế giới hiện ra thật vui nhộn, huyền nhiệm, ngay cả trong những điều giản dị và bình thường nhất. Tác phẩm Bố con cà khịa và những bức thư của Đoàn Lữ Thụy Phương chính là một thế giới như vậy.

Tác giả nhí Đoàn Lữ Thụy Phương. Ảnh: Internet

Tác giả nhí Đoàn Lữ Thụy Phương. Ảnh: Internet

Hiện thực tràn ngập tiếng cười

Bố con cà khịa và những bức thư có cấu trúc rất rõ ràng: Phần một là những mẩu chuyện ngăn ngắn, kể về những câu chuyện trong nhà, ngoài ngõ, ở trường học, về mối quan hệ giữa nhân vật chính là “tôi” - một cô bé 9, 10 tuổi có cái tên rất ngọt: Kẹo, với bố mẹ, hàng xóm, thầy cô và bè bạn. Phần hai là bức thư của những người bạn đặc biệt gửi cho Kẹo. Mỗi phần lần lượt khắc họa, tạo nên hai bức tranh về hai thế giới trong cái nhìn của trẻ thơ: thế giới đời sống thường nhật và thế giới trong trí tưởng tượng.

Mỗi ngày trôi qua, với Kẹo, đều lấp lánh bởi những điều đáng yêu và thú vị. Cuộc sống thường nhật của Kẹo dường như không có gì đặc biệt. Kẹo có một ông bố thích cà khịa cả Kẹo và mẹ Kẹo, bị xem là người hầu của hoàng hậu và công chúa mà lại chẳng thấy phục vụ hoàng hậu và công chúa gì cả, còn thích hát bolero dù theo Kẹo thì giọng của bố chỉ bằng Chaien. Kẹo có một người mẹ hơi tròn, nấu ăn ngon, sợ mập, thích giảm cân, không biết và không thích đùa nhưng xem ra lại vui tính không kém bố Kẹo. Bên cạnh Kẹo còn có gia đình cô Nhung và chú Tuấn cùng em Nai, mà cô Nhung thì mê bóng đá đến… lao lực, rồi còn bác Liên hay thốt lên “Ối giời ơi”… Đó là thế giới của những người lớn xung quanh Kẹo. Kẹo thì cũng như những đứa trẻ khác, ở nhà thì xem bố cà khịa mẹ, theo dõi hành trình giảm cân của mẹ, trên trường thì cũng bị bắt nạt, đi chơi thì cũng mơ mộng nhìn trời ngắm mây… Thế nhưng, chính bản tính tò mò, ưa khám phá, hài hước, trí tưởng tượng phong phú, hồn nhiên, vô tư nhưng tinh tế, giàu lòng trắc ẩn đã tạo nên một lăng kính vạn hoa, giúp những điều giản dị, bình thường trở nên lung linh, hấp dẫn và đáng trân trọng đến mức tác giả muốn được viết ra để bộc lộ niềm vui thích lớn lao của mình, như là một cách để giữ lại, và cũng là một cách để tỏ bày với mọi người xung quanh.

Có thể thấy, một trong những điểm đặc biệt trong tác phẩm chính là cách nhìn, cách khắc họa những nhân vật người lớn của Thụy Phương. Ở đây không có những người lớn luôn đóng vai những nhà giáo dục, uyên bác về trí tuệ, cao thượng về đạo đức, chững chạc trong hành vi, đúng đắn trong hành xử. Đó là kiểu nhân vật “loại hình” thường xuất hiện trong văn học viết cho thiếu nhi của những tác giả là người lớn. Trong con mắt của trẻ, người lớn chỉ đơn thuần là người lớn… tuổi. Ngoài ra, trong mắt trẻ con, họ cũng giống như những đứa trẻ với bao tật xấu, cũng làm những việc kỳ khôi và đôi khi còn xứng đáng bị phạt vì không… ngoan.

Trong tác phẩm, ông bố thích cà khịa nhiều khi gây phiền toái và khiến người mẹ không thích đùa bực mình. Ông hàng xóm thích hát hò mà chẳng đếm xỉa gì đến nỗi khổ của người xung quanh. Mẹ Kẹo muốn giảm cân nhưng lần nào cũng thất bại và nhanh chóng thỏa hiệp với lời kêu gọi “ăn cho khỏe” của chồng. Và đã làm bố lại cứ đòi con tặng quà sinh nhật, hết quà “nhường nhịn” thì đến cả tiền tiết kiệm cũng đòi tặng luôn! Thế nhưng, nhân vật “tôi” chẳng hề phán xét gì cả. Mà dường như, chính chất “trẻ con” của những người lớn đó mới làm cho trẻ em cảm thấy người lớn gần gũi như những người bạn. Và chỉ khi nào trẻ con có thể làm bạn với người lớn, thì khi ấy, trẻ mới cảm thấy cuộc sống tràn ngập niềm vui.

Bố con cà khịa và những bức thư

- cuốn sách đầu tay của tác giả nhí Đoàn Lữ Thụy Phương. Ảnh: BÍCH DUYÊN

Tưởng tượng tràn ngập yêu thương

Nếu phần một là tiếng cười giòn tan, thì phần hai của tác phẩm là những lời thủ thỉ nhẹ nhàng, sâu lắng. Những bức thư của những người bạn tưởng tượng như đôi dép cũ, cây cọ, hạt mầm, chiếc bánh bao… đã mở ra một thế giới rộng lớn, phong phú và kỳ diệu trong tâm hồn của Kẹo. Thế giới này đưa người đọc phiêu du cùng đám mây nhỏ trên bầu trời, dẫn người đọc ngồi xuống dưới tán cây cọ để nghe nỗi buồn và sự tỉnh thức của chính cây cọ về giá trị của mình, dắt người đọc vào tận trong dạ dày của Kẹo để xem cuộc phiêu lưu của chiếc bánh bao từ khi vào miệng Kẹo như thế nào… Thế giới đó cũng cho người đọc nhìn sâu hơn vào tâm hồn của Kẹo: một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, và tràn đầy lòng yêu thương.

Thực ra, thế giới này không mở ra một cách đột ngột. Ở phần một, một cô bé giàu tình cảm đã xuất hiện trong mẩu chuyện Gặp lại cô giáo. Sự xúc động mà mẩu chuyện gợi ra rất lớn, nhưng vì sự lấn át của niềm vui và tiếng cười nên nó hơi bị người đọc quên đi. Sự thống nhất trong tính cách, tâm hồn của Kẹo chính là sợi dây kết nối hai phần dường như có vẻ bị tách rời hẳn ra như cách mà tác phẩm đã được cấu trúc.

Đọc những trang sách của phần thứ hai, hình ảnh một cô bé 9 tuổi ngồi tĩnh lặng mà lắng nghe lời thì thầm của đồ vật và cây cối, cùng trò chuyện trong lặng im, và cùng chia sẻ, thấu hiểu với những người bạn nhỏ của mình hiện lên thật quá đỗi đáng yêu. Sự vô tư của trẻ em, có lẽ nằm ở chỗ các em ít phán xét, bao dung và dễ tha thứ, chứ không phải nằm ở sự vô tâm, hời hợt với mọi điều trong cuộc sống. Kẹo là cô bé vô tư, đúng như tuổi của mình, và cũng là một cô bé sâu sắc, như một đứa trẻ ở tuổi đó có thể có. Kẹo cũng như bao trẻ em cùng lứa khác, luôn nhìn thế giới trong cảm quan “vật ngã đồng nhất”. Chính cảm quan đó đã giúp em nhìn ra được nỗi buồn của một đôi dép đã cũ, một món đồ chơi đã hư, một cây cọ đơn côi… để “thay mặt” chúng mà bày tỏ nỗi niềm không phải với một mình Kẹo mà còn với chúng ta - những người lớn thường vội vã lướt qua mọi điều nhỏ nhặt như thế. Lòng trắc ẩn của trẻ thơ thật bao la, rộng rãi!

Thụy Phương viết tác phẩm vào mùa hè năm lớp 4. Thông tin này thật sự gây bất ngờ vì Bố con cà khịa và những bức thư là một tác phẩm được viết rất chắc tay về mặt câu từ và văn phong. Nhận xét về cách Thụy Phương viết, nhà phê bình Văn Giá đã dành nhiều lời ngợi khen về ngôn ngữ và cách hành văn của tác giả. Ông viết: “Thụy Phương có sức viết đáng nể so với độ tuổi, văn phong chỉn chu, kỹ lưỡng, với những câu văn chững chạc, chuyên nghiệp”. Thụy Phương viết bằng ngôn ngữ trẻ thơ, nhưng không thô sơ, ngô nghê, tự nhiên quá mức. Thế nên, tuy câu chuyện của Thụy Phương kể không mới, nhưng cách em kể, nhìn và cảm nhận lại làm mới câu chuyện và giúp nó đủ hấp dẫn để mời gọi người đọc bước chân vào thế giới mà tác giả tạo nên.

Đọc những tác phẩm văn học thiếu nhi do chính thiếu nhi viết luôn mang lại những cảm xúc đặc biệt, nhất là với người đọc lớn tuổi. Các em đã giúp người đọc có được cơ hội nhìn ngắm và thưởng ngoạn một thế giới thật khác - thế giới được nhìn qua lăng kính trẻ thơ, được kể bằng ngôn ngữ trẻ thơ, vừa gần gũi, đáng yêu, vừa lạ lẫm, diệu kỳ.

Đoàn Lữ Thụy Phương sinh năm 2012, tên thân thương là Kẹo, là con gái của nhà thơ Đoàn Văn Mật và nhà văn Lữ Mai. Bắt đầu biết làm thơ từ năm 3 tuổi, đến nay, Thụy Phương đã sáng tác được hơn 50 truyện ngắn và thơ. Với tài năng thiên bẩm và niềm say mê sáng tạo, Thụy Phương đã gặt hái được nhiều giải thưởng mà đáng chú ý nhất là Tặng thưởng của Hội đồng giám khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 4 - 2023 với tập bản thảo của tác phẩm Bố con cà khịa và những bức thư khi em chỉ mới 11 tuổi.

VÕ NGUYỄN BÍCH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/320404/bo-con-ca-khia-va-nhung-buc-thu-the-gioi-tu-cai-nhin-tre-tho.html
Zalo