Bỏ cấp huyện: Trường học, trạm y tế sẽ do cấp xã quản lý

Sau khi bỏ cấp huyện, Chính phủ định hướng giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế và thực hiện chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, trạm y tế của đơn vị cấp xã mới. Việc này để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại cơ sở và trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề cập nội dung này.

Theo Đề án, cấp xã (xã, phường, đặc khu) là cấp chính quyền sát dân nhất, gắn bó mật thiết với Nhân dân, đại diện trực tiếp cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân. Đồng thời, là nơi trực tiếp tổ chức các hoạt động quản lý, điều hành các công việc hành chính và trực tiếp tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách, pháp luật của Trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh tại địa bàn cấp xã.

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp xã cần được xây dựng và quy định phù hợp theo hướng chủ yếu là cấp thực hiện chính sách (từ Trung ương và cấp tỉnh), được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành pháp luật và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp xã trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, Chính phủ định hướng chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, đặc khu) thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, hiện đang được quy định cho chính quyền địa phương cấp xã và chính quyền địa phương cấp huyện.

Theo đó, các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay, được chuyển toàn bộ về cho chính quyền địa phương cấp xã thực hiện.

Căn cứ quy mô, điều kiện, đặc điểm của từng cấp xã và năng lực quản lý, mà chính quyền địa phương cấp xã được phân cấp, phân quyền nhiều hơn từ Trung ương và cấp tỉnh theo năng lực, và yêu cầu quản lý (nhất là đối với các phường thuộc đô thị lớn, đặc khu Phú Quốc và các xã có quy mô lớn).

Theo đó, chính quyền địa phương cấp xã có 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản.

Một là, tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và văn bản của cơ quan cấp trên ở địa bàn. Hai là, quyết định về tài chính, ngân sách của cấp mình trên địa bàn cấp xã (trừ các nội dung thuộc thẩm quyền cấp tỉnh); được ban hành văn bản quy phạm pháp luật; được hỗ trợ nguồn tài chính, ngân sách từ Trung ương và cấp tỉnh để bảo đảm cho các hoạt động công ích.

Ba là, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, phát triển cộng đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ.

Bốn là, quản lý tài sản, cơ sở hạ tầng phục vụ người dân trên địa bàn; quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, phúc lợi xã hội; duy trì truyền thông văn hóa ở địa phương, quản lý các cơ sở văn hóa, thể thao và giải trí.

Năm là, cung ứng các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân như cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ trên địa bàn.

Sáu là, giải quyết các thủ tục hành chính và cung ứng các dịch vụ công trực tiếp đến người dân trên địa bàn. Bảy là, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được chính quyền địa phương cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền.

Đối với chính quyền địa phương ở phường (đô thị), ngoài việc thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ chung của chính quyền địa phương cấp xã nêu trên, còn thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng có của chính quyền đô thị. Tương tự, với chính quyền địa phương ở đặc khu (hải đảo) cũng vậy.

Cũng theo Đề án, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu và xác định lộ trình sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố, theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã. Trước mắt vẫn giữ nguyên thôn, tổ dân phố hiện có, đây là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế và thực hiện chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, trạm y tế của đơn vị cấp xã mới, để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại cơ sở và bảo đảm đủ trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn cấp xã.

Đối với các đơn vị sự nghiệp khác, Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tinh gọn đầu mối, bảo đảm cung ứng nhiều dịch vụ công cơ bản, thiết yếu trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã, liên xã, phường.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-cap-huyen-truong-hoc-tram-y-te-se-do-cap-xa-quan-ly.htm
Zalo