Bỏ cấp huyện phải tiến hành đồng thời với việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ

Ông Huỳnh Văn Thới, nguyên Quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM cho rằng, bỏ cấp huyện phải được tiến hành đồng thời với việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ mà then chốt là hoàn thiện khung thể chế về phân quyền, phân cấp.

Chiều 28/3, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Từ thực tiễn TPHCM”.

Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Văn Thới, nguyên Quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM, cho biết việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là tốt và giảm cấp trung gian là xu thế chung của nhà nước hiện đại, đã được thực hiện tại nhiều quốc gia với mục tiêu hướng đến là tinh giản, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn.

PGS.TS Huỳnh Văn Thới trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

PGS.TS Huỳnh Văn Thới trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

Với việc sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay, ông Thới cho rằng bỏ cấp huyện phải được tiến hành đồng thời với việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ mà then chốt là hoàn thiện khung thể chế về phân quyền, phân cấp.

PGS.TS Thới cũng lưu ý không phân cấp, phân quyền cho bằng được, với bất cứ giá nào mà phải phân cấp, phân quyền đúng đắn. Đồng thời, khi tiến hành phân cấp, phân quyền, cần tránh cả hai xu hướng: không dám phân quyền, phân cấp viện lý do chính quyền địa phương không có khả năng thực hiện, hay tiến hành đại trà. Bên cạnh đó, phân cấp, phân quyền cũng tiến tới mức hoàn thiện theo hướng đảm bảo hiệu quả việc phục vụ nhân dân, phù hợp với lịch sử.

“Phân cấp, phân quyền không phải làm giảm sút vai trò của chính quyền trung ương mà ngược lại Trung ương cần đủ mạnh để xây dựng chính sách pháp luật, giải quyết các vấn đề tầm chiến lược. Lúc này, chính quyền Trung ương cũng phát huy tính tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm của cấp chính quyền địa phương” - PGS.TS Thới nói và cho rằng việc phân cấp, phân quyền phải minh định về thẩm quyền, rành mạch về công việc, rõ ràng về trách nhiệm, gắn với địa vị pháp lý của mỗi cấp.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, đề nghị Trung ương phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các tỉnh, thành. Trong đó, TPHCM được chủ động "quyết" các công trình nghìn tỷ.

“Phân cấp, phân quyền cho rõ ràng, cái gì thẩm quyền chung, cái gì thẩm quyền tập thể, cái gì riêng của chủ tịch UBND để quyết cho nhanh chứ thông qua tập thể sẽ dẫn đến chậm trễ” - bà Thảo góp ý.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM kiến nghị cần lắng nghe cán bộ để giải quyết thấu tình, đạt lý và giảm bớt sự thiệt thòi của cán bộ trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Những góp ý của hội thảo sẽ gửi đến Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

Những góp ý của hội thảo sẽ gửi đến Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đầy đủ phẩm chất

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, cho rằng cần sáp nhập các cơ quan tương thích với nhau nhằm tránh tình trạng “ông nào làm việc ông nấy”. Ngoài ra, cần loại trừ nạn chạy chức chạy quyền và tình trạng bổ nhiệm người thân, bè phái, nhóm lợi ích... nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất cao hơn cả về đạo đức lẫn chuyên môn.

Nêu giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức phường trong bối cảnh giảm cấp trung gian, TS Bùi Quang Tiến, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, kiến nghị phải đào tạo, tập huấn lại. Bên cạnh việc đưa nhân sự từ cấp quận, huyện xuống, thành phố cũng phải tuyển dụng đội ngũ cán bộ chất lượng, có trình độ và năng lực chuyên môn.

“Mỗi phường cần có một chuyên viên phụ trách về tin học, tránh thuê bên ngoài bởi việc này có thể làm lộ bí mật nhà nước” - ông Tiến góp ý.

Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-cap-huyen-phai-tien-hanh-dong-thoi-voi-viec-phan-cap-phan-quyen-manh-me-post1729100.tpo
Zalo