'Bỏ án tử hình với 8 tội danh là bước đi phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế'

Theo nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội Trương Việt Toàn, việc bỏ án tử hình với 8 tội danh như đề xuất của Bộ Công an là bước đi phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp.

Theo quy định Bộ luật Hình sự hiện hành, 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng, thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình.

Đồng thời, thực tiễn thời gian qua Tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này, ví dụ: Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”,… hoặc ít áp dụng như tội “Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ”,…

Tại dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất bỏ phạt tử hình 8 tội danh, trong đó có tội ''Tham ô tài sản'', ''Nhận hối lộ''.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trương Việt Toàn, nguyên thẩm phán, nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội, người từng ngồi ghế chủ tọa phiên tòa xét xử nhiều vụ đại án, cho hay, ông đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về chủ trương bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, nhất là tội ''Tham ô tài sản'' và ''Nhận hối lộ''.

Theo ông Toàn, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay chỉ áp dụng án tử hình cho một vài tội danh đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang duy trì án tử hình cho khá nhiều tội danh, chưa hoàn toàn tương thích với chuẩn mực quốc tế.

Ông Trương Việt Toàn. Ảnh: CTV

Ông Trương Việt Toàn. Ảnh: CTV

Vì vậy, việc loại bỏ án tử hình với 8 tội danh như đề xuất của Bộ Công an là bước đi phù hợp trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp.

Theo quan điểm của vị nguyên thẩm phán, đề xuất bỏ tử hình, thay bằng án tù chung thân không xem xét giảm án là phù hợp và mang tính răn đe mạnh mẽ. Việc bỏ án tử hình sẽ không làm giảm hiệu quả phòng, chống tham nhũng, bởi thực tế, ý thức khắc phục hậu quả của các bị cáo thường đã có từ giai đoạn điều tra, truy tố, chứ không phải vì sợ án tử hình mới có.

Xu hướng tất yếu

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc bỏ án tử hình trong một số tội danh và tiến tới bỏ hình phạt tử hình trong luật hình sự là xu hướng tất yếu.

Nếu như trước đây có rất nhiều hình thức thi hành hình phạt tử hình (treo cổ, chặt đầu, xử bắn,…) thì trong xã hội hiện đại, các hình thức đó gần như đã được loại bỏ khỏi hệ thống pháp luật các quốc gia.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Hiện nay có đến 112 quốc gia đã bỏ hình phạt tử hình. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng khuyến khích các quốc gia bãi bỏ hoặc hạn chế dần và có lộ trình để tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình.

Theo luật sư, khi xã hội còn lạc hậu, ý thức chấp hành pháp luật của công dân chưa tốt, các tội phạm về ma túy, tội giết người, tội khủng bố, tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm xâm phạm trực tiếp đến các quan hệ xã hội quan trọng còn diễn ra phổ biến thì hình phạt tử hình có sức răn đe mạnh mẽ và có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, với xu hướng quốc tế hóa, vai trò trách nhiệm của các quốc gia gia nhập các công ước về quyền con người thì việc bỏ án tử hình là xu hướng tất yếu.

“Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh theo đề xuất của Bộ Công an phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế. Đồng thời cũng cho thấy sự văn minh của xã hội, hiệu quả trong quản lý xã hội và phòng ngừa tội phạm, đảm bảo ngày càng đầy đủ hơn quyền con người, quyền công dân trong khuôn khổ pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-an-tu-hinh-voi-8-toi-danh-la-buoc-di-phu-hop-tien-trinh-hoi-nhap-quoc-te-2396112.html
Zalo