Bitcoin cạnh tranh với thị trường tài chính truyền thống

Sau khi tăng vọt trong quý đầu năm 2024, giá Bitcoin duy trì ở vùng cao, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới tham gia, trong đó có Việt Nam và dần cạnh tranh dòng tiền với thị trường tài chính truyền thống.

Bitcoin lập kỷ lục mới và thu hút các nhà đầu tư lớn

Từ đầu năm 2024 cho đến giữa tháng 3, Bitcoin “vùng lên” mạnh mẽ và thiết lập mức đỉnh lịch sử là hơn 73.000 USD/Bitcoin, giá trị vốn hóa lọt vào Top 10 tài sản lớn nhất trên thế giới.

Thống kê từ trang phân tích số liệu Casebitcoin, trong 14 năm qua, Bitcoin là loại tài sản có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) vượt trội so với các loại tài sản truyền thống như vàng hay chứng khoán Mỹ.

Nếu như năm 2010, Bitcoin có giá trị rất thấp khi có người chi 10.000 Bitcoin để mua hai chiếc pizza, thì đến năm 2013 vượt mốc 1.000 USD/Bitcoin, năm 2017 chạm mốc 20.000 USD/Bitcoin. Khi dịch Covid-19 bùng nổ, Bitcoin leo lên ngưỡng 64.000 USD/Bitcoin. Tất nhiên, Bitcoin có những đợt giảm mạnh và dao động ở vùng thấp trong năm 2022 - 2023, nhưng lại lập đỉnh mới vào tháng 3/2024 và dao động phổ biến trong vùng 60.000 - 70.000 USD/Bitcoin cho đến cuối tháng 7.

Bitcoin hoạt động giống như một tài sản đầu cơ, một loại đầu tư rủi ro cao, nhưng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới, vì tiềm năng tăng giá lớn, nhất là khi nguồn cung bị giới hạn ở mức 21 triệu đơn vị (hiện tại, thế giới đã “đào” được hơn 19,7 triệu Bitcoin).

Mặt khác, Bitcoin và công nghệ blockchain đằng sau đồng tiền này được coi là đại diện cho một cuộc cách mạng công nghệ. Những người đam mê công nghệ bị thu hút bởi tính phi tập trung, minh bạch và an toàn của blockchain, đồng thời họ cũng hiểu rõ các khía cạnh kỹ thuật và tiềm năng ứng dụng. Cùng với đó, Bitcoin không bị ràng buộc bởi biên giới quốc gia, cho phép các giao dịch quốc tế diễn ra nhanh chóng với chi phí thấp. Điều này đặc biệt có lợi cho những người lao động nhập cư gửi tiền về quê hương, giảm thiểu chi phí chuyển tiền truyền thống.

Tuy nhiên, để đạt được vị thế như hiện nay, Bitcoin đã phải vượt qua nhiều chông gai và chiến thắng mang tính bước ngoặt đến từ cuộc chiến pháp lý với Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Cơ quan này từ lâu đã hoài nghi về tiền điện tử và đưa ra nhiều vụ kiện chống lại các công ty tiền điện tử được cho là hoạt động phi pháp. Tháng 8/2023, một tòa án phúc thẩm liên bang ở Washington (Mỹ) đã phán quyết rằng, SEC đã sai khi ngăn cản nỗ lực của một công ty tiền điện tử (Ripple) muốn tạo ra một quỹ ETF Bitcoin hoặc quỹ giao dịch trên sàn chứng khoán.

Phán quyết đó đã tạo điều kiện cho 9 quỹ ETF Bitcoin giao ngay được hoạt động trên thị trường chứng khoán Mỹ từ tháng 1/2024, thúc đẩy Bitcoin lập đỉnh mới với giao dịch sôi động trở lại. Trong đó, Quỹ ETF Bitcoin của BlackRock (IBIT) và Fidelity (FBTC) là những tổ chức tài chính lớn trên thế giới có giao dịch rất tích cực.

Nhà đầu tư Việt Nam “liều ăn nhiều”

Sức hấp dẫn của Bitcoin không chỉ khiến các “ông lớn” trong ngành tài chính quan tâm, mà người dân ở nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam muốn sở hữu hoặc đầu tư.

Dữ liệu từ cổng thanh toán tiền điện tử Triple-A cho biết, trong 10 quốc gia có tỷ lệ phần trăm dân số sở hữu tiền điện tử (bao gồm Bitcoin) cao nhất thế giới, Việt Nam xếp thứ hai với tỷ lệ 21,2%, chỉ sau Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất.

Theo công ty phân tích tiền điện tử Chainalysis, một dấu ấn khác của Việt Nam trên thị trường tiền điện tử đó là số tiền lãi ước đạt 1,2 tỷ USD trong năm 2023, xếp thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Anh).

Báo cáo của Oxford Insights chỉ ra rằng, Việt Nam đang là quốc gia có vị trí tốt cho sự phát triển của ngành công nghệ, với 67,5% dân số trong độ tuổi lao động 15 - 64 tuổi có kỹ năng kỹ thuật số cao, khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số. Thế hệ trẻ, đặc biệt là Millennials và Gen Z, những người tiếp xúc sớm và dành nhiều thời gian trên Internet, thường có xu hướng sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn trong các khoản đầu tư và Bitcoin như một phương tiện để đạt được điều này do tính biến động cao và tiềm năng tăng giá mạnh.

Trần Khánh Chung, một nhà đầu tư tiền điện tử chia sẻ, anh tìm đến thị trường này không chỉ vì tiềm năng tăng trưởng của Bitcoin, mà còn từ sự phát triển của nhiều loại tiền điện tử và ứng dụng phi tập trung có thể tạo ra thu nhập. Ngoài việc giao dịch trong ngắn hạn, anh có thể kiếm lợi nhuận từ các hoạt động khác như “săn” airdrop token (tiền điện tử miễn phí) từ các dự án tiền điện tử, chơi game kiếm token (play-to-Ern), mua bán các tác phẩm NFT, đầu tư tiền điện tử vào các giao thức DeFi (tài chính phi tập trung) để tạo thanh khoản và nhận phần thưởng...

Thị trường tiền điện tử tiềm ẩn rủi ro “trở tay không kịp”

Các quỹ ETF Bitcoin giao ngay được phép giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ từ đầu năm 2024 đã tạo động lực cho Bitcoin tăng giá mạnh.

Nhà đầu tư quan tâm đến tiền điện tử đồng nghĩa với dòng tiền ở các kênh đầu tư khác, nhất là kênh chứng khoán, bị chia sẻ, bị cạnh tranh, bất chấp rủi ro cao.

Ông Đào Việt Dũng, Trưởng phòng Quản lý rủi ro tại Fidelity nhận định, kỳ vọng thu lợi cao và nhanh hơn từ các nhà đầu tư khi tham gia thị trường tiền điện tử có thể khiến họ phải gánh chịu những rủi ro rất lớn so với việc tham gia thị trường chứng khoán. Về cơ bản, thị trường chứng khoán được hình thành từ các quy định chặt chẽ bởi các cơ quan chính phủ về báo cáo tài chính, quản trị công ty... nhằm bảo vệ nhà đầu tư và tạo ra môi trường minh bạch, có tính toàn vẹn; tài sản trên thị trường đại diện cho quyền sở hữu một phần công ty, thanh khoản thường ổn định và giá biến động trong phạm vi nhất định. Trong khi đó, thị trường tiền điện tử thiếu rất nhiều quy định nên có thể dẫn đến rủi ro cao về lừa đảo và thao túng, còn tài sản trên thị trường này thường đại diện cho một dạng tài sản kỹ thuật số hoặc giá trị của một dự án blockchain, hoàn toàn có thể biến mất như các vụ sụp đổ trong năm 2022. Cùng với đó, thời gian giao dịch trên thị trường tiền điện tử là 24/7 nên rất khó để nhà đầu tư “trở tay” khi thị trường xảy ra biến động mạnh.

Ngoài ra, cho dù giá của Bitcoin có tăng mạnh đến mức nào đi chăng nữa cũng không có nghĩa đồng tiền điện tử này trở nên hữu ích hơn cho các giao dịch hàng ngày, hoặc được áp dụng rộng rãi hơn cho các khoản thanh toán.

Cuối năm 2023, công ty phân tích tiền điện tử Chainalysis đánh giá, việc áp dụng tiền điện tử ở cấp cơ sở trên toàn thế giới đã giảm đáng kể so với mức cao năm 2021. DeFi, hay tài chính phi tập trung, vẫn chủ yếu được sử dụng bởi các nhà đầu cơ rủi ro cao, thay vì các dịch vụ tài chính hàng ngày thông thường. El Salvador, quốc gia đầu tiên làm cho Bitcoin trở thành tiền tệ hợp pháp vào năm 2021, đã gặp phải vô vàn khó khăn. Một nghiên cứu cho thấy, khoảng 88% người Salvador không sử dụng Bitcoin vào năm 2023 và IMF đã phải khuyến nghị Salvador loại bỏ trạng thái tiền tệ hợp pháp của Bitcoin.

Qui Ánh / Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bitcoin-canh-tranh-voi-thi-truong-tai-chinh-truyen-thong-post350700.html
Zalo