Bình yên dưới chân núi Tả Ló San

Giữa mênh mông đại ngàn cực Tây Tổ quốc, từ bao đời nay, người Hà Nhì vẫn âm thầm bám rừng, bám biên, bảo vệ đường biên mốc giới, giữ rừng như bảo vệ những mạch máu nóng trong cơ thể mình. Trong đó không thể không nhắc tới những đóng góp của cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) ngay từ những ngày đầu lập bản.

Bài 1: Lặng lẽ bám biên

Từ trung tâm xã Sen Thượng, sau gần 2 giờ đồng hồ đi xe máy vượt qua cung đường đất quanh co men theo triền núi, hun hút dưới tán rừng, với một bên là vực sâu, chúng tôi đã có mặt tại bản Tả Ló San. Những mái nhà lợp tôn xanh, đỏ trước cổng treo cờ Tổ quốc dần hiện ra bình yên, nép mình dưới núi Tả Ló San.

Lập bản bám biên

Ngược thời gian trở lại hơn 2 thập kỷ trước, Tả Ló San được biết đến là những cánh rừng cổ thụ với nhiều cây gỗ quý, 2 - 3 người ôm không xuể, và nhiều loại thú rừng như: Khỉ, lợn rừng… Bắt đầu từ những năm cuối thập niên 90, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giãn dân ra biên giới, thuộc huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ) nay là huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), một số hộ dân người Hà Nhì ở xã Sín Thầu đã tiên phong ra biên giới lập nghiệp. Cuối năm 1999, bản Tả Ló San, xã Sín Thầu đã được thành lập với 12 hộ dân (nay là xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé).

Theo các bậc cao niên trong bản kể lại, khu vực Tả Ló San lúc ấy chưa có đường đi, người dân chỉ men theo khe suối, đường mòn cắt ngang rừng mà đi. Cuộc sống những ngày đầu lập bản vô cùng khó khăn, sống hoàn toàn phụ thuộc vào các sản vật từ rừng như: Măng, nấm, rau rừng… Các nhu yếu phẩm khác như muối, dầu, người dân phải đi bộ ra trung tâm xã mua, cả đi lẫn về cũng mất đẫy 1 ngày.

Ông Lỳ Khò Chừ, người có uy tín bản đã gắn bó với vùng đất biên viễn Tả Ló San từ những ngày đầu lập bản. Mặc dù đã vào tuổi lục tuần nhưng ông Chừ có làn da đỏ hồng, thân hình vạm vỡ, giọng nói hào sảng mang đậm chất núi rừng của người Hà Nhì.

Chào khách bằng cái bắt tay chắc nịch, nụ cười tươi ông Chừ tâm sự: Cuộc sống từ những ngày đầu lập bản vô vàn khó khăn, từ việc khai hoang phát dọn mặt bằng, vào rừng chặt tre nứa dựng lán, làm nhà. Tuy khó khăn, vất vả nhưng mọi người trong bản rất đoàn kết, mỗi khi có người ra trung tâm xã dân bản lại cùng nhau gửi tiền nhờ mua muối, gạo; nhà nào chưa có tiền mua thì được chia sẻ từ nhà khác, cùng nhau sử dụng. Đến nay, đã 25 năm “bám bản”, canh giữ biên cương, người dân chúng tôi đã coi Tả Ló San là quê hương của mình.

Nhiều nỗi ưu tư

Cuộc sống nơi ở mới khó khăn thiếu thốn trăm bề, một số hộ gia đình đã lựa chọn quay lại nơi ở cũ, có thời điểm cả bản chỉ còn vài nóc nhà. Thiếu đất sản xuất là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình lựa chọn rời xa Tả Ló San. Diện tích của bản chủ yếu là đất rừng, đất canh tác hầu như không có, người dân chỉ tận dụng khai hoang được ở khu vực bìa rừng ngoài quy hoạch đất rừng hoặc khe suối cạn. Nhiều khu ruộng cách xa bản từ 7 - 10km, phải đi theo đường mòn, gùi từng bao thóc mỗi khi thu hoạch.

Cho đến nay, bản Tả Ló San chỉ có 9ha ngô; 2,4ha sắn; hơn 2ha lúa để cung cấp lương thực cho 27 hộ, 103 nhân khẩu. Như vậy chia trung bình mỗi hộ dân trong bản chưa được 5.000m2 đất canh tác, trong khi đó trung bình mỗi hộ có ít nhất 3 nhân khẩu, một số hộ mới tách hầu như không có đất sản xuất.

Ông Lỳ Khò Chừ chia sẻ: “Đất sản xuất vốn đã ít nhưng để làm ra hạt thóc lại càng vất, khó khăn bội phần. Vì gần rừng nên mỗi khi vào mùa lúa chín hoặc chuẩn bị thu hoạch ngô, sắn người dân trong bản phải cắt cử nhau lên trông ruộng nương, đuổi chim, gà rừng, sóc xuống ăn. Đặc biệt là lợn rừng rất thích ăn sắn, ngô; chỉ cần đàn lợn rừng từ 5 - 10 con mà phá nương nhà ai thì coi như năm đó gia đình đấy mất mùa. Nhiều gia đình đã phải làm lán ngủ tại nương để bảo vệ mùa màng”.

Ngoài nỗi lo về đất canh tác thì điện lưới, đường vào bản đang là niềm mong mỏi của 27 hộ dân tại bản Tả Ló San. Hiện nay tuyến đường hơn 30km vào bản mới chỉ có hơn 10km là đường bê tông, còn lại là đường đất đi lại rất vất vả, vào mùa mưa người dân chủ yếu là đi bộ.

Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả nhưng người dân Hà Nhì tại Tả Ló San vẫn đoàn kết thống nhất một lòng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của cấp ủy chính quyền địa phương. Họ vẫn ngày đêm miệt mài “bám đất”, “bám rừng” cùng với bộ đội biên phòng tuần tra, bảo vệ khu vực cột mốc số 12, tuyến biên giới Việt - Trung. Họ là bức “tường thành”, là "cột mốc sống” nơi biên giới cực Tây của Tổ quốc.

Bài 2: Cuộc sống mới nơi biên cương

Bài, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/218744/binh-yen-duoi-chan-nui-ta-lo-san
Zalo