Bình tĩnh trước 'nỗi sợ bỏ lỡ'

Nỗi sợ bỏ lỡ điều quan trọng (FOMO: fear of missing out) ảnh hưởng lớn đến những người trẻ. Hầu như những thói quen đáng báo động nhiều năm nay đều liên quan đến hội chứng này. Có thể kể đến như liên tục kiểm tra Facebook, những 'cơn cuồng' mua sắm vô tội vạ; mất ăn mất ngủ bám theo các thông tin showbiz…

Càng theo dõi mạng xã hội, người trẻ càng thấy lo lắng khi mình không theo kịp đám đông

Càng theo dõi mạng xã hội, người trẻ càng thấy lo lắng khi mình không theo kịp đám đông

Chạy theo những điều không phù hợp

Công việc không liên quan gì đến giới truyền thông, nghệ sĩ nhưng Hà Anh (22 tuổi, kinh doanh online) hầu như thuộc làu scandal những nghệ sĩ trẻ. Có mặt trong hầu hết những nhóm Facebook thảo luận về các chương trình đang nổi: Anh trai vượt ngàn chông gai, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, các cuộc thi hoa hậu…

Hà Anh nói: “Tôi chuyên nghiệp đến nỗi có thể “rình” đoán người mẫu nào là giám khảo các cuộc thi trước cả khi công bố. Đọc góc khuất showbiz, bình luận khen chê về từng tiết mục khiến mình thấy thú vị, càng đọc càng tò mò. Mà thấy điều này cũng chẳng hại đến ai”.

Hà Anh không biết mình dành bao nhiêu thời gian một ngày để cập nhật các drama (mâu thuẫn) trên showbiz vì cứ vài phút là phải giở điện thoại ra xem một lần, kể cả trong giờ làm bởi sợ hụt một câu chuyện nóng nào đấy.

Lướt mạng xã hội, chỉ vì thấy những bài viết vui vui về những người chán công việc thì đi học thạc sĩ để né tránh, Thanh Nga (29 tuổi, nhân viên truyền thông) đã đăng ký đi học chỉ vì tin vào những nội dung này. Chọn một trường đại học tư để đầu vào nhẹ nhàng, nhanh được học, nhanh cầm tấm bằng, Nga vẫn sớm rơi vào lúng túng: “Vào học cứ thấy sai sai, kiến thức định hướng cho những ai muốn làm nghiên cứu, mình cũng không biết dùng thế nào vào việc của mình nữa. Nhưng vẫn thấy quyết định đi học là đúng vì ai cũng có bằng thạc sĩ, mình không thể không có, cảm thấy bứt rứt lắm, như người ta tham dự một cái gì đó mà mình cũng không thể vắng mặt vậy”. Trước đây, Thanh Nga thậm chí còn… yêu đại, chỉ vì bạn bè ai cũng có cuộc sống lứa đôi, mình không có như kẻ thừa.

Người mắc hội chứng sợ bỏ lỡ luôn cảm thấy sợ hãi, bất an, bồn chồn vì sợ mình để lỡ mất điều gì đó: một tin tức mới trên bản tin Facebook, một món hàng rất hot trên TikTok shop, một quán cà phê mới nổi… Tâm lý này không mới, nhưng với sự phát triển của truyền thông đa phương tiện, người dùng thời nay càng dễ bị “dụ” tham gia vào những thói quen xấu mà truyền thông cho là “ai cũng phải có”. Ví dụ điển hình trong 1-2 năm nay, những người lao động trẻ đang “phải” lao theo những thói quen “chung” được thiết lập cho gen Z: như gen Z là phải biết bật sếp, nghỉ việc một cách dễ dàng và không báo trước, lập group kín “mỏ hỗn” cập nhật drama công ty, mua sắm những món “vô tri”…

Tập trung vào điều quan trọng

Nỗi sợ bỏ lỡ và lao theo những thứ không cần thiết khiến người trẻ thực sự bỏ lỡ những điều quan trọng trong cuộc sống. Hà Anh, sau nhiều năm sống với những thị phi showbiz như thể cuộc sống thật, một ngày phát hiện mình bị vẹo cột sống sau một sáng… nghiêm túc nhìn mình trong gương. Chị tiếc nuối: “Thật sự hoảng hốt, tôi tự hỏi mình đã dành tuổi trẻ để sống vì điều gì vậy. Quan tâm đến đủ thứ nhưng mà rốt cục lại bỏ quên chính mình”. Hà Anh bây giờ theo đuổi lối sống lành mạnh hơn: không phải cái gì thấy không hại ai thì cứ làm, mà phải dồn thời gian và sức lực hữu hạn để tập trung vào những gì cần thiết nhất cho mình.

Phạm Phúc (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cho hay, anh mới biết về lối sống “JOMO: Joy of missing out”, nghĩa là cảm thấy yên bình khi mình không biết tất cả mọi thứ. Phúc chia sẻ: “Có quá nhiều thông tin về mọi người xung quanh…, đôi khi khiến mình bị mất niềm tin, ảnh hưởng cảm xúc, không tốt lành chi cả. Vậy tại sao không tôn trọng người khác bằng cách biết vừa phải những thứ mình nên biết, vừa bảo vệ cảm xúc để làm tốt việc của mình, vì những chuyện ngồi lê đôi mách ít khi nào tích cực”.

Anh Phúc có người bạn thân làm nghề y, tuy không hề biết đến những tin nóng trong chỗ làm, ăn mặc rất cơ bản, không diện theo trend (xu hướng)… nhưng những kiến thức chuyên sâu của chuyên môn, hỏi gì người bạn này cũng biết, ai bệnh là gọi cho người bạn này đầu tiên. “Mình thấy sống như vậy hay, rất đáng nể phục. Lối sống này khiến mỗi người đặc sắc theo cách riêng khi họ tập trung vào những thứ quan trọng với họ. Sống kiên định và tập trung như vậy nhiều năm, bạn mình thành một người thật sự đặc biệt, đáng tin cậy. Ta không cần sợ hãi mình “bỏ lỡ” thứ gì, vì thật ra chúng ta không đang trong cuộc đua nào”, anh Phúc kết luận.

Gia đình, năng khiếu riêng, đam mê, làm thiện nguyện… là những điều có sức lôi cuốn không kém những thứ bề nổi, chớp nhoáng đám đông đang lôi kéo người trẻ lao theo. Để tạo nên bản sắc cá nhân, người trẻ nên bình tĩnh lên kế hoạch, theo đuổi những điều cần thiết của riêng cuộc sống mình.

TÂM HIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/binh-tinh-truoc-noi-so-bo-lo-post749103.html
Zalo