Bình Thuận ưu tiên phát triển xã hội hóa giáo dục

Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã chú trọng xã hội hóa giáo dục. Theo đó, các trường ngoài công lập bước đầu bảo đảm được chất lượng dạy và học. Bình Thuận đang tiếp tục ưu tiên các nguồn lực xã hội để mở thêm các trường ngoài công lập tại các khu tập trung đông dân cư.

Những ngày đầu tựu trường, học sinh của Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Lê Lợi với vốn 100% xã hội hóa (thành phố Phan Thiết) được giáo viên hướng dẫn cài đặt phần mềm quản lý trên ứng dụng thông minh. Điểm mới năm nay, phần mềm điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt. Phần mềm như “học bạ” điện tử có bài thi, điểm thi, phê bình, khen thưởng của trường. Phụ huynh có thể theo dõi trên phần mềm biết được tình hình học tập của con em.

Với quy mô 75 lớp dạy hơn 2.500 học sinh, thầy Lê Quang Phương, Hiệu trưởng Trường Lê Lợi cho biết, trung bình mỗi năm, số lượng học sinh tăng thêm khoảng 10%. Cho nên, trường đang xin chủ trương tỉnh mua thêm đất gần trường để mở rộng và thuận tiện trong quản lý.

Học sinh của Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Lê Lợi (thành phố Phan Thiết).

Học sinh của Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Lê Lợi (thành phố Phan Thiết).

Thành lập từ năm 2013, Trường Lê Quý Đôn (thành phố Phan Thiết) với nguồn vốn xã hội hóa 100% chỉ có 4 lớp học. Nhằm đáp ứng học sinh tăng dần, trường xin chủ trương tỉnh thuê đất, xây dựng trường mới khang trang, đầy đủ chức năng để dạy 4 cấp. Trường chú trọng phát triển sở trường của học sinh, tiềm năng thông qua các hoạt động ngoại khóa hoặc lớp năng khiếu. Trường có giáo viên người bản ngữ dạy tiếng Anh theo chương trình chuẩn quốc tế. Thầy Lưu Thăng Long,

Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn phân tích, nếu khu đất trường đang thuê mà tỉnh quy hoạch bán đất nền chỉ thu được lợi nhuận ban đầu. Trường hợp tỉnh tự xây trường, hằng năm tốn tiền ngân sách hạ tầng, giáo viên, học sinh. Trong khi đó, tỉnh cho trường thuê đã tạo điều kiện cho hơn 250 người có việc làm, hơn 2.200 học sinh có chỗ học, đóng thuế hằng năm và tiết kiệm được tiền ngân sách.

Trường Lê Quý Đôn (thành phố Phan Thiết) dạy các em học sinh làm bánh chưng.

Trường Lê Quý Đôn (thành phố Phan Thiết) dạy các em học sinh làm bánh chưng.

Bên cạnh đó, nhiều trường công lập huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng hạ tầng khang trang, giảm bớt gánh nặng phụ huynh, tạo điều kiện học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, tỉnh có 43 trường ngoài công lập, trong đó có 40 trường mầm non, một trường tiểu học và hai trường trung học phổ thông đã giảm tải cho cho trường công lập, cũng như ngân sách nhà nước. Năm học trước, ngành giáo dục huy động từ các nguồn xã hội hóa đạt gần 100 tỷ đồng. Trong đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xổ số kiến thiết tỉnh Bình Thuận là 55 tỷ đồng mua sắm trang, thiết bị dạy học. Hội Khuyến học tỉnh vận động các mạnh thường quân đóng góp quỹ “Tiếp bước cho trẻ đến trường” được hơn 49 tỷ đồng hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, khen thưởng, sửa chữa trường.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Toàn Thắng cho biết, trường ngoài công lập giúp học sinh có môi trường phát triển toàn diện văn, thể, mỹ, phát triển được sở trường. Học sinh có nơi tiếp tục được học khi không đủ điều kiện thi vào các trường công lập.

Trường Lê Quý Đôn (thành phố Phan Thiết) dạy cắm hoa cho học sinh.

Trường Lê Quý Đôn (thành phố Phan Thiết) dạy cắm hoa cho học sinh.

Ở chiều ngược lại, nhiều trường thiếu diện tích, đầu tư nâng cấp chưa đồng bộ, còn thiếu các phòng chức năng: thư viện, thí nghiệm, thực hành, nhà tập đa năng, hoạt động đoàn-đội. Các trường mầm non phải ghép trẻ có nhiều độ tuổi vào chung một lớp nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Đối với trường công lập cần xây dựng kế hoạch về công tác xã hội hóa giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương. Hằng năm, Sở tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho trường công lập.

Làm công tác xã hội nhiều năm học, một hiệu trưởng trường công lập nhận định, dịp kỷ niệm thành lập trường sẽ thuận lợi huy động xã hội hóa từ mạnh thường quân. Tuy nhiên, hằng năm, trường làm công tác xã hội hóa đầu tư thiết bị, quỹ học bổng cũng khó khăn. Các trường nằm vùng sâu, vùng xa, huyện nghèo thì công tác xã hội hóa không đạt hiệu quả; chủ yếu từ giáo viên, phụ huynh nên chỉ làm các công trình nhỏ. Cho nên, lãnh đạo trường này cần sử dụng tốt các truyền thông mạng xã hội để huy động nhiều nguồn lực.

Mỗi năm, trường công lập được nguồn ngân sách đầu tư công hỗ trợ xây dựng hạ tầng. Do đó, khi có nguồn tiền xã hội hóa, ban giám hiệu cần tính toán kỹ, tìm hiểu quy hoạch, tránh không làm theo kiểu “mì ăn liền” mà xây dựng công trình “chồng lấn” với định hướng của nhà nước. Hiện nguồn vốn huy động từ xã hội hóa ngày càng khó khăn, không ổn định. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế để trường tạo nguồn vốn.

Đơn cử, trường có thể đấu thầu bãi giữ xe, căng-tin hoặc kết hợp với doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục đầu tư. Trường có khoản thu để tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Đó chính là nguồn vốn “bền vững” mà tự nội lực trường tạo được.

Trường mẫu giáo Tuổi thơ (huyện Đức Linh) tổ chức dạy học cho các em.

Trường mẫu giáo Tuổi thơ (huyện Đức Linh) tổ chức dạy học cho các em.

Theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích đầu tư các cơ sở, giáo dục đào tạo ngoài công lập.

Hằng năm, tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục. Tỉnh Bình Thuận thu hút năm dự án đầu tư xây dựng trường học với tổng vốn 733 tỷ đồng, đưa vào hoạt động ba dự án.

Năm 2024, thu hút thêm một trường trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tại huyện Đức Linh và giới thiệu vị trí cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục FPT đầu tư trường phổ thông tại thành phố Phan Thiết.

Trường Lê Quý Đôn (thành phố Phan Thiết) thường tổ chức các lớp học kỹ năng mềm.

Trường Lê Quý Đôn (thành phố Phan Thiết) thường tổ chức các lớp học kỹ năng mềm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh cho biết, tỉnh Bình Thuận ưu tiên bố trí quỹ đất phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo cho các trường ngoài công lập. Các sở, ngành thường xuyên cập nhật vị trí cần kêu gọi đầu tư trường học vào quy hoạch.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận luôn khuyến khích, hỗ trợ trường ngoài công lập đầu tư tại khu tập trung đông dân cư, khu công nghiệp. Tỉnh Bình Thuận đang thu hút các trường đại học lớn của Thành phố Hồ Chí Minh đặt phân hiệu hoặc cơ sở đào tạo tại Khu Công nghiệp đô thị dịch vụ Hàm Tân-La Gi, Khu đô thị du lịch MICE huyện Hàm Thuận Nam, Khu Nova World Phan Thiết. Đặc biệt, doanh nghiệp đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập sẽ được tạo điều kiện từ nhiều nguồn lực.

THANH HẢI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-thuan-uu-tien-phat-trien-xa-hoi-hoa-giao-duc-post831081.html
Zalo