Bình Thuận: từ vùng đất khô hạn vươn mình hồi sinh mạnh mẽ
Tối 19/4/2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975 -19/4/2025). Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các tỉnh thành, các đơn vị ban ngành, đoàn thể cùng Nhân dân tỉnh Bình Thuận tham dự.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã đạt được trong suốt chặng đường hơn 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển.
Bình Thuận là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng, một trong những cái nôi văn hóa của miền Trung nắng gió với nhiều di sản quý giá. Đặc biệt, có ngôi trường Dục Thanh, nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã từng dạy học (từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911), truyền đạt và vun đắp tinh thần yêu nước, thương dân cho các học trò trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Chương trình văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 50 Ngày giải phóng Bình Thuận.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả những thời điểm khó khăn nhất của cách mạng, quân và dân Bình Thuận vẫn luôn chung thủy, sắc son, một lòng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Để từ đó, với truyền thống “tự lực tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, quân và dân Bình Thuận đã lập nên nhiều chiến công vẻ vang.
Trong những ngày này của 50 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy khu VI và Tỉnh ủy Bình Thuận, với khí thể bão táp cách mạng, quân và dân Bình Thuận cùng với bộ đội chủ lực đã giải phóng tỉnh Bình Thuận, góp phần tạo nên sức mạnh tổng lực, cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, sức sáng tạo mạnh mẽ và những bước đi phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể và tình hình thực tiễn của địa phương.
Giai đoạn đầu khi mới tái lập tỉnh vào năm 1992, Bình Thuận là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu hụt, quy mô kinh tế nhỏ, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nắng gió, khô hạn. Các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ kém phát triển.
Chất lượng nguồn nhân lực thấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn rất nhiều thiếu thốn… Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương, với quyết tâm, trí tuệ và sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, đảng viên, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, Bình Thuận đã từng bước khắc phục khó khăn, tìm chọn được hướng đi phù hợp.
Từ một địa phương “đồng khô, cỏ cháy, nước chờ mong”, đến nay, công cuộc “trị hạn” với sáng kiến nối mạng thủy lợi của tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội Bình Thuận đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từng bước từ tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu: tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng dần qua các năm. Nắng, gió một thời đã là nỗi khó khăn, vất vả của người dân, nay đã được khai thác như nguồn lực tiềm năng để Bình Thuận bứt phá, giàu mạnh.
Các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển và đạt được kết quả quan trọng, toàn diện. Cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đầu tư đồng bộ, tạo hiệu ứng tích cực để thu hút đầu tư. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá so với bình quân chung của cả nước (năm 2024 GRDP tăng 7,25%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước). Quy mô nền kinh tế năm 2024 đạt hơn 128 nghìn tỷ đồng, gấp gần 33 lần so với năm 1992, và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 59 triệu đồng gấp gần 44 lần so với năm 1992 (thời điểm tái lập tỉnh).
Bộ mặt đô thị, nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều khởi sắc (tỷ lệ đô thị hóa đạt 41,86%; 79/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 84,95%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,16%. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đặc biệt là công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao…