Bình Thuận: Tỉnh ủy viên sẽ làm Bí thư tại các xã có vị trí chiến lược

Tỉnh ủy Bình Thuận vừa ban hành hướng dẫn cụ thể về cơ cấu tổ chức, biên chế và nhân sự cho các xã, phường, đặc khu mới thành lập.

Cơ cấu tổ chức cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Ngày 15/5, ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã ký văn bản hướng dẫn về khung cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế và xây dựng phương án nhân sự cho các cấp ủy xã, phường, đặc khu thành lập mới trên địa bàn tỉnh.

Đây là bước triển khai cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 60-NQ/TW và các kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính và tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Theo hướng dẫn, việc bố trí nhân sự phải đảm bảo đúng quy định, chặt chẽ, minh bạch, phát huy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm và tinh thần trách nhiệm.

Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy được giao toàn quyền sắp xếp, nhưng vẫn chịu sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy. Cán bộ từng bị kỷ luật, có vi phạm, không đủ điều kiện sẽ không được xem xét bố trí giữ chức vụ quan trọng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu ưu tiên bố trí cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số và cán bộ có chuyên môn khoa học - công nghệ, đồng thời không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, tuyệt đối tránh tư tưởng cục bộ, “lợi ích nhóm” và tiêu cực trong phân công, bổ nhiệm cán bộ. Không xem xét, bố trí giữ chức vụ cao với cán bộ đã bị kỷ luật hoặc có vi phạm trong nhiệm kỳ 2020-2025, hoặc đang bị điều tra, thanh tra, kiểm tra.

Ở cấp xã, mỗi đảng ủy có 3 cơ quan chuyên trách: Văn phòng, Ban xây dựng Đảng và Ủy ban Kiểm tra; nơi có trung tâm chính trị cấp huyện sẽ thêm trung tâm chính trị trực thuộc.

UBND xã tối đa 4 phòng chuyên môn, HĐND xã có 2 ban chuyên trách, mỗi xã mới được bố trí khoảng 32 biên chế. Trường học và trạm y tế do cấp xã quản lý trực tiếp.

Một góc Tp.Phan Thiết.

Một góc Tp.Phan Thiết.

Nhân sự lãnh đạo cấp xã mới được chỉ định kỹ lưỡng

Tổ chức Mặt trận và các đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo hướng hợp nhất, tinh gọn, không vượt tổng số lượng cán bộ hiện hữu trước sáp nhập. Đồng thời, chấm dứt việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ ngày 1/8/2025.

Việc xây dựng phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy các xã mới sẽ được triển khai theo quy trình 3 bước.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận sẽ chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ hiện có, từ đó tham mưu phương án nhân sự và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Đặc biệt, Tỉnh ủy Bình Thuận sẽ có phương án nhân sự cấp xã mới thành lập, bao gồm cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động được điều động, phân công về cấp xã và cấp ủy viên của cấp xã đương nhiệm, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Đồng thời, việc xem xét, bố trí nhân sự là Tỉnh ủy viên làm Bí thư Đảng ủy hoặc nhân sự Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư Đảng ủy đối với Đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông; việc bố trí các đồng chí là lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh về giữ các chức danh chủ chốt cấp xã,... sẽ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng ủy UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh BÌnh Thuận và các địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, định hướng dư luận và đảm bảo đồng thuận trong nhân dân được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình chuyển đổi.

Nguyễn Đắc Phú

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-thuan-tinh-uy-vien-se-lam-bi-thu-tai-cac-xa-co-vi-tri-chien-luoc-204250515145117748.htm
Zalo