Bình Thuận: Thi hành ngay các bản án hành chính thua kiện người dân
Theo Đoàn kiểm tra Bộ tư pháp, năm 2024, Bình Thuận là một trong các địa phương có số lượng các bản án hành chính chưa được thi hành xong còn nhiều.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa có công văn gởi các sở, ngành, địa phương có liên quan yêu cầu triển khai một số nội dung kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tư pháp.
Theo đó, ngày 6-12, Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tư pháp đã làm việc với UBND tỉnh thông báo về kết quả sơ bộ kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính, công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện kịp thời, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương là “người phải thi hành án” khẩn trương nghiên cứu, rà soát các nội dung tại báo cáo kết quả sơ bộ kiểm tra do Đoàn kiểm tra Bộ Tư pháp cung cấp để có nội dung báo cáo, giải trình, cập nhật, bổ sung số liệu để Đoàn kiểm tra có cơ sở xem xét.
Riêng UBND TP Phan Thiết phải khẩn trương tổ chức thi hành ngay tám bản án đã đủ điều kiện thực hiện, không có khó khăn, vướng mắc về kinh phí và pháp lý, phấn đấu hoàn thành trước khi Đoàn kiểm tra Bộ Tư pháp có thông báo kết luận chính thức để có cơ sở xem xét.
Giao Sở Tài chính chủ trì nghiên cứu ý kiến, hướng dẫn của Bộ Tài chính và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh để thống nhất phương án tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện theo quy định.
Trong đó, cần xác định rõ phương án cụ thể về nguồn kinh phí thực hiện các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật đang tồn đọng gắn với trách nhiệm của từng sở, ngành trong công tác tham mưu, đề xuất.
Đối với các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, UBND tỉnh đang đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm (vụ Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Eden), tái thẩm (vụ bà Nguyễn Thị Ngọc); giao Sở TN&MT chủ trì, tham mưu UBND tỉnh thực hiện, chấp hành nghiêm nội dung tuyên của Tòa án các cấp theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Chủ trì, phối hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm 2 bản án thuộc trách nhiệm phải thi hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20-12.
Đối với bản án hành chính vụ bà Hồ Thị Mười khởi kiện, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để thực hiện kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện ngay sau khi Sở Tài chính báo cáo, đề xuất kinh phí thực hiện.
Giao Sở Tư pháp trên cơ sở báo cáo giải trình, bổ sung của các sở, ngành, địa phương, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo bổ sung các nội dung cho Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tư pháp để có cơ sở xem xét, quyết định, báo cáo UBND tỉnh trong ngày 16-12.
Nghiên cứu các định hướng, hướng dẫn của Đoàn kiểm tra Bộ Tư pháp về nguồn kinh phí thi hành án liên quan đến pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước tại buổi làm việc. Sở Tư pháp có báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể để thực hiện theo quy định.
“Đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo dõi, kiểm tra việc thi hành án hành chính đối với người có trách nhiệm thi hành; đề xuất, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức chậm thi hành án, thi hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án theo đúng quy định của pháp luật với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ kể cả với người phải thi hành án là UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh…”, công văn kết luận.
Theo số liệu thống kê về kết quả công tác thi hành án hành chính, năm 2024 tỉnh Bình Thuận là một trong các địa phương có số lượng các bản án hành chính chưa được thi hành xong còn nhiều. Do đó cần chỉ đạo, kiểm tra và xử lý nghiêm trách nhiệm người có thẩm quyền cấp dưới không chấp hành án hành chính theo đúng quy định. Trường hợp cần thiết thì lập tổ công tác để tổng hợp, rà soát, đánh giá, lập kế hoạch, lên phương để tham mưu giải quyết dứt điểm đối với từng vụ việc cụ thể.