Bình Phước - Tháng Tám của truyền thống cách mạng

Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân ta trong thế kỷ XX. Những năm trước Cách mạng tháng Tám, vùng đất Bình Phước chìm trong sự đô hộ, áp bức của thực dân, phong kiến. Mặc dù vậy, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã anh dũng đứng lên chống lại áp bức, bóc lột để bảo vệ quyền sống của mình. Là một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Bình Phước là vùng đất anh hùng với nhiều chiến công đã ghi vào lịch sử những trang chói ngời.

BÌNH PHƯỚC - THÁNG TÁM CỦA TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG

(Báo Bình Phước, 25-8-1999)

Q.B

Khởi nguồn từ phong trào đấu tranh chống áp bức và sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên đi liền với địa danh lịch sử “Phú Riềng đỏ”, cuộc nổi dậy góp phần cùng cả nước tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 đã được chuẩn bị trong thời gian dài tại nhiều nơi ở Bình Phước.

Vào những năm 1940, cuộc bãi công của hơn 300 công tra đồn điền cao su ở Lộc Ninh, cuộc đấu tranh của tù chính trị ngay tại trại giam Cô-lông và căng Bà Rá cùng các hội nhóm yêu nước ra đời… cho thấy thái độ căm phẫn Pháp, Nhật của người Kinh lẫn đồng bào dân tộc đã dâng cao. Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, cuộc đấu tranh đã đi từ đòi hỏi quyền sống đến ý thức đòi quyền độc lập tự do dân tộc, thành lập Nhà nước mới của giai cấp công nhân. Nhân dân ở Phước Hòa, Thuận Lợi, Đa Kia, Xa Cam… chống lại chế độ lao công làm kho tàng, hầm hào củng cố quân đội và hệ thống cai trị của quân Pháp, Nhật khiến nhiều sĩ quan và cai tổng lo sợ. Điển hình như cai tổng tên là Đinh ở Bà Rá phải lẩn trốn khi đồng bào các dân tộc quanh đó kéo đến phản đối. Tại Quản Lợi, Lộc Ninh, các đội cứu quốc có vũ trang sớm được thành lập, sau lan ra nhiều nơi. Ở Chơn Thành các giáo viên được chi bộ Đảng hướng dẫn hội cứu quốc mang tên “Người Việt Nam mới” mà Điểu Du, CheNen là những nòng cốt. Đặc điểm của nhiều phong trào rầm rộ hưởng ứng tổng khởi nghĩa ở Bình Phước lúc bấy giờ là đã hình thành được một mặt trận tập hợp, đoàn kết rộng rãi các dân tộc anh em làm cho hệ thống chính quyền của Pháp và tay sai bị động; vài nơi phải đối phó bằng cách co cụm hoặc bỏ chạy.

Từ khoảng 24-8 đến đầu tháng 9-1945, nhiều nơi công nhân đứng lên ủng hộ cách mạng. Công nhân cao su ở Lộc Ninh, Quản Lợi cùng hàng nghìn nông dân tổ chức mít-tinh, biểu tình công khai và tự trang bị vũ khí cho các đội thanh niên xung kích. Các trụ sở hành chính, dinh điền, đồn trạm bảo an… của chế độ cai trị lúc bấy giờ về tay nhân dân. Ngay sau đó, các ủy ban khởi nghĩa đồng thời là chính quyền mới đã cử 2 đoàn gồm 100 công nhân cao su Lộc Ninh và nhiều nông dân là đồng bào dân tộc có vũ trang kéo về Thủ Dầu Một, góp thêm sức mạnh lực lượng và tinh thần cho khởi nghĩa giành chính quyền tại đây.

Thắng lợi của cách mạng khẳng định quá trình trưởng thành và thống nhất từ các cơ sở đảng đến từng đảng viên, bắt nguồn từ truyền thống chi bộ Phú Riềng đỏ. Đoàn kết về chí hướng, tư tưởng đã dẫn đến hình thành được khối đại đoàn kết từ người Kinh đến các dân tộc anh em, tạo nguồn lực cơ bản hoàn thành nhiệm vụ lớn lao của lịch sử.

Những nhân tố quan trọng ấy ngày nay đang được phát huy ở gần 10.000 đảng viên và các đoàn thể xã hội tại tỉnh Bình Phước hôm nay. Bởi vì đoàn kết, thống nhất ý chí hành động trong truyền thống cách mạng nhằm xóa bỏ ách nô lệ áp bức và đoàn kết ý Đảng, lòng dân trong tái thiết tỉnh Bình Phước đều xuyên suốt một mục tiêu hướng đến “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

(Tư liệu từ “Lịch sử Đảng bộ Sông Bé”)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/171539/binh-phuoc-thang-tam-cua-truyen-thong-cach-mang
Zalo