Bình Phước sẽ là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là 'điểm đến hấp dẫn' của vùng Đông Nam Bộ
Đô thị hóa là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.
Bài 4:
PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH ĐÔ THỊ, NÔNG THÔN VÀ KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT
Xác định phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn nhằm phát triển đô thị và nông thôn gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò của các vùng đô thị; từng bước xây dựng và phát triển nông thôn theo hướng bền vững, liên kết chặt chẽ giữa đô thị với nông thôn, từ đó xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại và phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương.
Phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn
Quy hoạch hệ thống đô thị nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, sạch, thông minh và giàu bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương.
Phương án quy hoạch hệ thống đô thị
Giai đoạn 2021-2025: Nâng cấp 7 xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V bao gồm: xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng; xã Bù Nho, huyện Phú Riềng; xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản; xã Tân Lập và xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú; xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh; xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp để hình thành 7 đô thị mới.
Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, sạch, thông minh - Ảnh: Tiến Dũng
Giai đoạn 2026-2030: Đầu tư phát triển đô thị Đồng Xoài hướng đến là đô thị loại II. Đầu tư phát triển đô thị Bình Long, Phước Long, Chơn Thành hướng đến là đô thị loại III. Đầu tư phát triển đô thị Tân Khai, huyện Hớn Quản và đô thị Đồng Phú hướng đến là đô thị loại IV. Nâng cấp 4 xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V bao gồm xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú; xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh; xã Thanh An và xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản để hình thành 4 đô thị mới.
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 42%, đến năm 2030 đạt 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 2,9-3,0% vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt khoảng 3,0-3,2%.
Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn
Tổ chức bố trí sắp xếp, ổn định dân cư nông thôn phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn, quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo bền vững, định cư lâu dài, giảm thiểu những thiệt hại tiềm ẩn do thiên tai gây ra.
Huy động mọi nguồn lực của xã hội để thực hiện xây dựng các điểm dân cư nông thôn, các trung tâm xã theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Xã Thành Tâm (nay là phường Thành Tâm), thị xã Chơn Thành đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh: Tiến Dũng
Phát triển khu dân cư nông thôn phù hợp với điều kiện và đặc trưng văn hóa, tập quán của từng khu vực. Kết hợp không gian văn hóa truyền thống của địa phương với thiết chế văn hóa, xã hội, xây dựng đời sống văn minh. Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa nông thôn, các làng nghề kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ thương mại.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bình Phước có thêm 30 xã nông thôn mới, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 100% trên tổng số xã; nâng chất 40 xã nông thôn mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đưa tổng số xã nông thôn mới nâng cao toàn tỉnh lên 45 xã, đạt tỷ lệ 50% trên tổng số xã; 100% các huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật
Phát triển kết cấu hạ tầng phải “đi trước một bước” tích hợp hiện đại và mở ra không gian phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phương án phát triển hạ tầng giao thông
Đường bộ
Phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia: phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng gồm: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh: phát triển hệ thống kết nối giao thông giữa 3 trục phát triển và các tuyến đường chính của tỉnh như: Trục phát triển dọc theo tuyến quốc lộ 14 kết nối Bù Đăng - Đồng Xoài - Chơn Thành; trục phát triển dọc theo tuyến quốc lộ 13 gắn kết Hoa Lư - Lộc Ninh - Bình Long nối huyện Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài, huyện Phú Riềng và thị xã Phước Long; tuyến ĐT 752, ĐT 758, ĐT 753, ĐT 759B…
Phát triển hệ thống giao thông kết nối các tuyến đường chính của tỉnh - Ảnh: Tiến Dũng
Đường sắt
Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh; tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước) đoạn Chơn Thành - Đắk Nông.
Hàng không
Quy hoạch sân bay quân sự Technic chuyển thành sân bay chuyên dùng Hớn Quản, quy mô diện tích khoảng 350 ha.
Công trình hạ tầng giao thông khác
Đầu tư xây dựng 3 cảng cạn tại cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh với quy mô khoảng 25 ha, tại thị xã Chơn Thành với quy mô khoảng 46 ha, tại huyện Đồng Phú với quy mô khoảng 40 ha.
Phương án phát triển hạ tầng điện
Phát triển nguồn điện, lưới điện gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia. Tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp và đường dây truyền tải 500kV, 220kV và 110kV, các đường dây trung thế, hạ thế kết nối với các nguồn điện mới, đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt là tại khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các đô thị mới; từng bước ngầm hóa mạng lưới điện trung và hạ thế hiện có.
Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông
Phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số. Hạ tầng bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy chính quyền số, xã hội số.
Phát triển hạ tầng số hướng tới chính quyền số, đô thị thông minh ở Bình Phước. Phát triển hạ tầng số rộng khắp, đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phương án phát triển hạ tầng thủy lợi và cấp nước
Xây dựng hệ thống thủy lợi, cấp nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, các khu, cụm công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân nhằm phát triển hạ tầng đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cải thiện đời sống nhân dân.
Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung tại khu vực nông thôn; đầu tư các công trình nối mạng cấp nước liên xã.
Bình Phước có hệ thống thủy lợi tương đối tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp và công nghiệp - Ảnh: Tiến Dũng
Phương án phát triển hạ tầng xử lý nước thải, chất thải
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý của các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp; xây dựng hệ thống thoát nước thải đô thị, nông thôn.
Xây dựng 5 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung theo mô hình khu liên hợp xử lý cho các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh để đảm bảo xử lý hết lượng chất thải rắn sinh hoạt.
Tiếp tục duy trì các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại hiện có. Bổ sung 2 cơ sở xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại huyện Phú Riềng và tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư.
Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai
Nguồn lực đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế, được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, bền vững với tầm nhìn dài hạn; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Đảm bảo việc bố trí sử dụng đất hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2030, tổng diện tích tự nhiên tỉnh Bình Phước khoảng 687.356 ha, trong đó: đất nông nghiệp khoảng 595.170 ha; đất phi nông nghiệp khoảng 92.113 ha; đất chưa sử dụng khoảng 73 ha.
Quy hoạch sử dụng đất đảm bảo nhu cầu của từng lĩnh vực, phù hợp với sự phát triển của địa phương - Ảnh: Tiến Dũng