Bình Phước: Quyết tâm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

t mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, sản lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hàng năm sẽ thay thế từ 35 – 40% sản lượng nhập khẩu đến năm 2025 và nâng lên 50 – 60% vào năm 2030, tỉnh Bình Phước đang quyết tâm thực hiện một loạt giải pháp thúc đẩy ngành phát triển.

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Phước.

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Phước.

Phát triển còn mất cân đối

Với định hướng phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành Nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã quan tâm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh đã bắt đầu hình thành những nền tảng cho sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cuối cùng và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn theo hướng vừa mở rộng vừa phát triển theo chiều sâu.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, trong giai đoạn 2016 – 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 4%; thu ngân sách Nhà nước 130 tỷ đồng; xuất khẩu sản phẩm hàng năm chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh (tương đương hơn 1,2 tỷ USD). Cùng giai đoạn, cả tỉnh có 38 doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất ra khoảng 114 loại sản phẩm, trong đó hơn 70% là doanh nghiệp trong nước.

Về cơ cấu sản phẩm, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành Dệt may đóng góp khoảng 56% giá trị kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tiếp đến là ngành Da giày với 24%; ngành Điện – Điện tử đóng góp khoảng 13%. Tỉnh chưa hình thành sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghệ cao.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh có sự mất cân đối giữa quy mô các phân ngành (80% từ dệt may, da giày) và trong mỗi phân ngành thiếu sản phẩm chất lượng cao với giá trị gia tăng lớn. Vì vậy, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chưa đa dạng về chủng loại, chưa đáp ứng được nhu cầu nội địa hóa ngày càng cao. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển chưa nhiều.

Đáng chú ý, mặc dù là thủ phủ của cây cao su nhưng tỉnh vẫn chưa phát triển công nghiệp hỗ trợ chế biến sản phẩm từ cao su tự nhiên như: Vỏ xe, cao su giảm chấn, cao su đệm, đai truyền lực…

Ưu tiên phát triển 6 phân ngành công nghiệp hỗ trợ

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ…hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế.

Tại Đề án "Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030" theo Quyết định số 1642/QĐ-UBND ngày 7/9/2022, tỉnh Bình Phước xác định mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ được xây dựng trên cơ sở chọn lọc một số ngành công nghiệp chủ lực, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt 1 tỷ USD, tương đương 20% trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (5 tỷ USD); sản lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hàng năm sẽ thay thế từ 35 – 40% sản lượng nhập khẩu với cùng yêu cầu chất lượng và nâng lên 50 – 60% vào năm 2030…

Trong năm 2024, tỉnh Bình Phước phấn đấu kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt 800 triệu USD; thu hút từ 1 – 2 doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn, có công nghệ và xuất đầu tư cao vào các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh thu hút và phát triển 6 phân ngành công nghiệp hỗ trợ gồm điện tử; dệt may; sản xuất lắp ráp ôtô; da giày; cơ khí chế tạo; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.

Để cụ thể hóa mục tiêu, UBND tỉnh giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại và du lịch tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư, tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm thu hút, kết nối các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đến Bình Phước đầu tư, nhằm tạo làn sóng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển theo.

Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho xúc tiến đầu tư; tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách và cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới; hướng dẫn các doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ tiếp cận và tham gia chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Phước chủ trì phát triển nguồn vốn ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Song song với đó, tỉnh xác định tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng; rà soát, bổ sung, cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo định hướng phát triển các phân ngành có thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn; khai thác tối đa ưu đãi phát triển của Chính phủ dành cho công nghiệp hỗ trợ…

Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024 diễn ra mới đây, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 tổng diện tích đất công nghiệp của tỉnh đạt 18.105ha, trong đó quy hoạch mới 8 khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú với diện tích 4.200ha, gần tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, rất thuận lợi và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Với nền tảng “4 tốt” gồm hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt, tỉnh xác định mục tiêu hướng đến là đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của nhà đầu tư. Tỉnh cam kết luôn sát cánh và đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Các nhà đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về thuế, về miễn giảm tiền thuê đất theo khung quy định của Chính phủ, được hỗ trợ kết nối cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cam kết.

Nguyễn Thị Lan Oanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/binh-phuoc-quyet-tam-thuc-day-cong-nghiep-ho-tro-378464.html
Zalo