Bình Phước: Hơn 500 công trình tại Bù Đăng bị ngưng trệ do vướng Quy hoạch khoáng sản
Quy hoạch khoáng sản đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định, xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Bù Đăng, Bình Phước.
Theo Quyết định số 866/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1277/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản, tỉnh Bình Phước có khoảng 90.000 ha đất trong quy hoạch thuộc các huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long. Trong đó, huyện Bù Đăng có diện tích quy hoạch gần như toàn huyện. Quy hoạch đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định, xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; chồng lấn với các quy hoạch khác; gây khó khăn, bất cập trong quản lý, bảo vệ khoáng sản, thậm chí có thể dẫn đến sai phạm do những bất cập không được điều chỉnh, thay đổi phù hợp.
*Khó khăn chồng khó khăn
Theo Phó Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Bù Đăng Trần Xuân Hiển, căn cứ Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 huyện Bù Đăng có 14/16 xã, thị trấn nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến bauxite với tổng diện tích đất bị ảnh hưởng trên 78.600 ha. Trong đó, cụm mỏ Thống Nhất có tổng diện tích hơn 36.900 ha; cụm mỏ Thọ Sơn có tổng diện tích gần 17.500 ha; cụm mỏ Sóc Bom Bo có tổng diện tích trên 10.770 ha; cụm mỏ Nghĩa Hòa có tổng diện tích hơn 13.400 ha.
Căn cứ Quyết định số 1277/QĐ-TTg ngày 1/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Khu vực dự trữ khoáng sản Quốc gia, huyện Bù Đăng có 6/16 xã, thị trấn nằm trong quy hoạch dự trữ khoáng sản Quốc gia với tổng diện tích đất bị ảnh hưởng hơn 5.270 ha.
Cũng theo ông Trần Xuân Hiển, khó khăn, vướng mắc hiện nay chủ yếu là do quy hoạch bauxite có phạm vi quá rộng (chưa thể hiện cụ thể vị trí thân quặng khai thác), nên sẽ tác động và ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định, xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; chồng lấn với các quy hoạch khác; gây khó khăn, bất cập trong quản lý, bảo vệ khoáng sản, thậm chí có thể dẫn đến sai phạm do những bất cập không được điều chỉnh, thay đổi phù hợp.
Cụ thể, các công trình, dự án đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất có quy hoạch bauxite phải tạm dừng. Trong đó, có các công trình đầu tư thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia như: Đầu tư trường học đạt chuẩn Quốc gia, cơ sở vật chất văn hóa, sửa chữa các Trạm Y tế… để phấn đấu đưa các xã còn lại về đích nông thôn mới; đầu tư xây dựng các công trình đường bê tông thực hiện theo cơ chế đặc thù; xây dựng nhà ở hỗ trợ thoát nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đặc biệt là các công trình cầu, cống phục vụ dân sinh…
Các Đồ án quy hoạch chung xây dựng các xã, quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết cũng phải tạm dừng; đặc biệt quy hoạch xây dựng các khu đất phục vụ đầu tư xây dựng các trụ sở Công an xã theo Đề án của Bộ Công an, UBND tỉnh. Công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất, chuyển mục đích quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng để xây dựng công trình trên diện tích đất có quy hoạch bauxite cũng tạm dừng để được hướng dẫn…
Như vậy, theo Quyết định số 866/QĐ-TTg và Quyết định số 1277/QĐ-TTg, toàn huyện Bù Đăng có 76 đồ án quy hoạch, 424 công trình, dự án bị ảnh hưởng. Trong đó, 22 công trình, dự án đang triển khai dở năm 2023 và 21 công trình, dự án chuẩn bị đầu tư năm 2024. Có khoảng 18.737 hộ dân và 71.579 người bị ảnh hưởng.
Xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng) có 7 trường học công thì Trường Tiểu học Kim Đồng (thôn 6) đang gặp khó khăn nhất. Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng Phạm Viết Phan, trường có một điểm chính và nhiều điểm lẻ. Hiện tại, trường đã xuống cấp trầm trọng và UBND huyện Bù Đăng đã chọn vị trí xây dựng mới tại thôn 2, xã Đức Liễu. Tuy nhiên, khi tìm được vị trí đất phù hợp lại vướng vào quy hoạch bauxite nên đang tạm ngưng.
Bà Trịnh Thị Hòa (62 tuổi, thôn 6, xã Đức Liễu) cho biết, hiện nay cơ sở vật chất của nhà trường đã xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được sửa chữa, xây mới nên phải mượn nhiều điểm lẻ là nhà văn hóa của các thôn. Học sinh phải di chuyển xa đến các điểm trường khác học nhờ, ảnh hưởng không ít đến chất lượng dạy và học; trời nắng đi học đã khổ, trời mưa càng khổ hơn.
Quy hoạch bauxite còn ảnh hưởng đến xây dựng nông thôn mới của xã Nghĩa Bình (huyện Bù Đăng). Theo Chủ tịch UBND xã - Lưu Minh Nghĩa, do quy hoạch nên xã còn 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, trường học và cơ sở vật chất văn hóa. Hiện xã có 28 công trình đường bê tông đã được HĐND xã thông qua và người dân đã đóng đối ứng, sẵn sàng chờ triển khai thi công năm 2024, nhưng đến nay phải tạm dừng. Ngoài ra, còn nhiều công trình khác cần đầu tư xây dựng để xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 như: 5 nhà văn hóa cần đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp; hội trường xã, đường nội ô trung tâm hành chính xã… cũng phải tạm dừng.
*Quy hoạch phải phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Trên cơ sở thực tế những vấn đề khó khăn, vướng mắc khi triển khai Quyết định 866 và Quyết định 1277, Phó Chủ tịch huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với tỉnh, huyện rà soát, điều chỉnh diện tích, khoanh định khu vực Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và khu vực dự trữ khoáng sản bauxite trên địa bàn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của địa phương. Đồng thời, UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương chủ trì phối hợp với tỉnh Bình Phước triển khai các nội dung tại Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 23/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng có thời gian, lộ trình khai thác từng khu vực mỏ phù hợp, cụ thể, tránh lãng phí nguồn lực đất đai khi quy hoạch quá lâu chưa đưa vào khai thác; nghiên cứu, xây dựng Đề án về bauxite có chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho tỉnh, huyện triển khai Quyết định số 866 đồng thời với triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện.
Cũng theo ông Trần Văn Phương, UBND huyện Bù Đăng đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép huyện được tiếp tục thực hiện các công trình, dự án thuộc lĩnh vực: đầu tư công, sản xuất kinh doanh, dân sinh trong khu vực thăm dò, khai thác và dự trữ khoáng sản Quốc gia bauxite. Cụ thể, đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công, cho phép huyện được thực hiện các dự án trọng điểm của địa phương; các dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án đầu tư khác do tỉnh, huyện, xã quyết định chủ trương đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội mà các dự án này có tác động lớn đến sự hưởng lợi của người dân, nếu ngưng hoặc không triển khai đầu tư công, sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư trong khu vực và xung quanh.
Đối với các công trình, dự án dân sinh, tỉnh xem xét, cho địa phương được tách các khu dân cư hiện hữu, các công trình dân dụng, dân sinh quan trọng ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản Quốc gia bauxite với phạm vi, khoảng cách an toàn khi chuyển sang hoạt động thăm dò, khai thác để người dân được thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo Luật Đất đai và các quy định pháp luật hiện hành khác nhằm ổn định cuộc sống lâu dài. Tỉnh cho phép địa phương được tiếp tục xây dựng các công trình dân dụng thiết thực trong khu vực dự trữ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, hưởng lợi từ các công trình, dự án thuộc chính sách của Nhà nước để giữ vững tình hình an ninh, trật tự địa phương, đặc biệt là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Huyện Bù Đăng cũng đề xuất UBND tỉnh Bình Phước đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các nội dung liên quan đến phương án bảo vệ, tập kết, lưu trữ khoáng sản thu hồi, nhưng chưa sử dụng trong quá trình thi công Dự án đầu tư theo quy định; giải quyết các vấn đề bất cập, chồng chéo về quy định pháp luật và các quy hoạch chung, quy hoạch ngành; tham mưu Chính phủ có văn bản chỉ đạo giải quyết vấn đề bất cập giữa quy hoạch bauxite với các vấn đề thực tiễn hiện nay để sớm tháo gỡ khó khăn cho địa phương.