Bình Phước: Hơn 2.956 tỷ đồng thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2025

Đó là thông tin được nêu tại Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 24-1-2025 của UBND tỉnh Bình Phước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Tuyến đường giao thông nông thôn ở xã NTM nâng cao Bình Tân, huyện Phú Riềng được đầu tư nâng cấp, mở rộng từ 4m lên 9m - Ảnh: Vũ Thuyên

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến hết năm 2025: Phấn đấu có thêm 1 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, lũy kế có 84/86 xã (không thực hiện đối với xã Nghĩa Bình và xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng do 100% diện tích nằm trong quy hoạch khoáng sản theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1277/QĐ-TTg ngày 1-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt khu dự trữ khoáng sản quốc gia).

Phấn đấu có thêm 9 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.Phấn đấu có thêm huyện Đồng Phú được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM và trình hồ sơ Trung ương thẩm định đạt chuẩn NTM đối với thị xã Chơn Thành, huyện Lộc Ninh và huyện Phú Riềng.Huyện Đồng Phú tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí huyện NTM; đồng thời, thực hiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao.

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân ở nông thôn. Tập trung chỉ đạo và thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 6 chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM. Tiếp tục thực hiện xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 18,84/19 tiêu chí (Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM).

Để thực hiện đạt mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh cũng đã đề ra 6 nội dung trọng tâm và 8 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó, 8 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện bao gồm: Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, nhất là vai trò của người đứng đầu, phải phải xác định xây dựng NTM "có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc". Tiếp tục hoàn thành các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn về các nội dung mới, yêu cầu mới của chương trình; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình giai đoạn 2021-2025 tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình năm 2025, lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu; tập trung triển khai hiệu quả 6 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề tồn tại trong xây dựng NTM.

Thường xuyên kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện chương trình ở các cấp đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến địa phương (huyện, xã), ưu tiên bố trí đủ người có tâm huyết, đủ năng lực cho bộ máy tham mưu về xây dựng NTM. Nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM chuyên trách ngày càng chuyên nghiệp.

Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Các đơn vị, địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho địa bàn khó khăn, đảm bảo tập trung, hiệu quả tránh dàn trải, phân tán làm lãng phí nguồn vốn ngân sách; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường vận động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức.

Song song đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp, vai trò chủ thể của người dân trong giám sát, phản biện về kết quả xây dựng NTM ở cơ sở. Tiếp tục và triển khai thực hiện xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Nguồn lực thực hiện chương trình năm 2025 là hơn 2.956 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước 303,577 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương; vốn huy động khoảng 765 tỷ đồng; vốn lồng ghép khoảng 387,5 tỷ đồng; vốn tín dụng khoảng 1.500 tỷ đồng.

N.K

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/81/168558/binh-phuoc-hon-2-956-ty-dong-thuc-hien-xay-dung-nong-thon-moi-nam-2025
Zalo