Bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ Tết
Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tập trung ở một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, chủ động kiểm soát, điều tiết giá các mặt hàng, ngành chức năng và doanh nghiệp của tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp bình ổn thị trường.
10 tháng năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn tỉnh tăng 6,73% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,02% so với tháng trước. Theo đánh giá của ngành chức năng, một số yếu tố tác động đến CPI là do giá dịch vụ bảo hiểm y tế được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở; giá xăng, dầu biến động theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm tăng do ảnh hưởng của thiên tai…
Khảo sát thực tế hoạt động kinh doanh trong tỉnh thời điểm này, thị trường hàng hóa dồi dào với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, giá cả ổn định. Ông Phạm Hữu Thắng, Giám đốc Siêu thị Intimex Yên Mỹ cho biết: Ngay từ tháng 9, siêu thị đã thỏa thuận ký kết với các đối tác cung ứng hàng hóa phục vụ tết với lượng hàng hóa tăng khoảng 30% so với cùng thời điểm năm trước để bình ổn giá và lựa chọn được nhiều ưu đãi từ phía nhà cung cấp cho khách hàng. Bên cạnh chuẩn bị lượng hàng hóa với giá ổn định, siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mại vào nhóm mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống… để kích cầu tiêu dùng.
Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh sẽ tăng khoảng 5 -7% vào thời điểm cuối năm, tập trung vào các nhóm hàng hóa như: Lương thực, thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến; thực phẩm công nghệ; hàng may mặc, giày dép, nhiên liệu; hàng điện tử, đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản khác… Để bình ổn thị trường, Sở Công Thương đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung – cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trong tỉnh; phối hợp với ngành chức năng tập trung theo dõi, đánh giá diễn biến thị trường hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa đến những vùng nông thôn, khu công nghiệp và mở rộng điểm bán hàng bình ổn tại các huyện, thị xã, thành phố. Cùng với đó, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường như: Phiên chợ cam Hưng Yên năm 2024, Hội chợ Xuân Ất Tỵ 2025… Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thay đổi tâm lý, thói quen sử dụng hàng ngoại của người tiêu dùng; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trong tỉnh chủ động phương án bảo đảm cung ứng xăng dầu, cam kết không “găm” hàng và bán hàng đúng giá niêm yết. Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp cuối năm; trong đó, tập trung hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông hàng hóa...
Cùng với bảo đảm nguồn cung hàng hóa, công tác kiểm soát thị trường cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm dịp cuối năm để bình ổn thị trường. Trong tháng 10, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 24 vụ, tăng 5 vụ so với tháng trước; trong đó, số vụ về gian lận thương mại 22 vụ, 2 vụ liên quan đến hàng giả. Tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 81 triệu đồng. Dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm có chiều hướng gia tăng. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh, lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ “găm” hàng, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, vật tư thiết yếu, hàng tiêu dùng trong dịp Tết.
Đồng chí Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngay từ quý IV, các đơn vị, cá nhân trong tỉnh đã chủ động kết nối, thỏa thuận với các đơn vị cung cấp hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm, bảo đảm sản phẩm về số lượng, chất lượng, giá với sản lượng tăng khoảng 30% so với thời điểm khác trong năm, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với giá bán ổn định.Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương trong tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm hạn chế gia tăng lạm phát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.