Bình Dương vươn mình để trở thành thành phố trực thuộc trung ương (*): Tìm thấy 'phương tiện đặc biệt'!
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định mô hình 'Công nghiệp- Đô thị- Dịch vụ' đã trở thành phương tiện giúp địa phương thu hút nguồn lực củng cố hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp đồng bộ đô thị, giao thông, văn hóa, xã hội.
Từ một địa phương có quy mô kinh tế chỉ đạt trên 3.900 tỉ đồng vào năm 1997 đã tăng lên 459.000 tỉ đồng vào cuối năm 2022, qua đó đưa Bình Dương trở thành địa phương có quy mô kinh tế đứng thứ ba cả nước và gấp 117 lần so với năm 1997.
Bứt phá ngoạn mục
Theo ông Võ Văn Minh, KCN VSIP là mô hình phát triển toàn diện, xây dựng tổ hợp các khu công nghiệp (KCN), đan xen với hệ thống đô thị, bao gồm các cấu phần về đô thị, nhà ở xã hội (NƠXH) và khu tái định cư, không gian xanh,… trên nền tảng hệ thống giao thông bài bản, đồng bộ gắn với mô hình TOD, kết nối nội khu, liên huyện và liên vùng, cùng với hệ thống giáo dục, y tế chất lượng cao, khắc phục được những hạn chế của việc phát triển KCN theo kiểu cũ.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của mô hình này là vào năm 2004, tỉnh triển khai Dự án Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ do Tổng Công ty Becamex IDC (doanh nghiệp có vốn chi phối của UBND tỉnh) thực hiện. Khu liên hợp có diện tích 4.196 ha, tổng vốn đầu tư khi đó là 3.000 tỉ đồng, nằm trên địa bàn 3 địa phương Bến Cát, Tân Uyên và Thủ Dầu Một, có nhiều tuyến đường tạo lực nhằm bảo đảm giao thông thông suốt trong toàn khu và đấu nối với hệ thống giao thông chung như đường Phạm Ngọc Thạch, Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13,…
Cùng với việc đẩy nhanh đầu tư hạ tầng toàn khu liên hợp, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha. Đây là một thành phố mới hiện đại, năng động, bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành lân cận trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nơi đây có Trung tâm hành chính tỉnh, Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế với sức chứa trên 2.500 người để tổ chức những sự kiện quốc tế.
Bình Dương cũng là địa phương trong cả nước triển khai thành công các dự án NƠXH giá rẻ, được đầu tư xây dựng trên quỹ đất sạch với giá bán chỉ từ 100 - 200 triệu đồng/căn hộ (30m2 sàn), giúp hàng vạn công nhân lao động, người thu nhập thấp có chỗ an cư lạc nghiệp. Thời gian tới, tỉnh dự kiến đầu tư 84.756 tỉ đồng cho 160.325 căn NƠXH, đáp ứng cho khoảng hơn nửa triệu dân.
Anh Nguyễn Phú Quân (SN 1985, quê Quảng Nam, làm việc ở KCN Việt Nam-Singapore II, TP Thủ Dầu Một), chia sẻ bản thân rời quê hương đến Bình Dương làm công nhân hơn 15 năm nhưng anh không bao giờ dám nghĩ mình đủ tiền mua đất cất nhà. Song nhờ có dự án NƠXH, vợ chồng anh mới có cơ hội này. "Vợ chồng tôi đăng ký mua NƠXH theo hình thức trả góp, mua nhà xong được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và được nhập hộ khẩu. Bây giờ tôi đã trở thành công dân tỉnh Bình Dương nên rất an tâm với cuộc sống, công việc"- anh Quân khoe.
Năm 2016, Bình Dương tiếp tục công bố thực hiện đề án Thành phố thông minh, với khát vọng đổi mới, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương. Từ Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương với trọng tâm Vùng đổi mới sáng tạo, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn, tạo nền tảng để xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị hàng hóa có chất xám cao và môi trường sống lành mạnh.
"Làm sao để giữ chân được nhà đầu tư là cả một vấn đề, mình phải tạo niềm tin với doanh nghiệp, rồi có sự hài hòa giữa doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và nước ngoài. Để làm được việc này, trước tiên tỉnh phải có quy hoạch, mục tiêu, định hình rõ ràng" - ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex.
Với những bước táo bạo, đúng đắn, Bình Dương đã có sự bứt phá ngoạn mục. Về tốc độ tăng GRDP, trong giai đoạn 10 năm từ 2010-2020, GRDP tỉnh Bình Dương tăng gấp 2,3 lần, từ 117.000 tỉ đồng năm 2010 lên 269.000 tỉ đồng năm 2020. Tổng thu ngân sách năm 2021 tăng 117,45 lần so với năm 1997. Giai đoạn 1997-2021, thu ngân sách đạt gần 550.000 tỉ đồng, bình quân hàng năm tăng 19,76%/năm. Đến nay, địa phương thu hút gần 41 tỉ USD vốn FDI, chỉ sau TP HCM. Chất lượng đời sống của người dân ngày một nâng cao hơn; GRDP/người năm 2021 của tỉnh là 156,038 triệu đồng/người; tăng gấp 26,2 lần so với năm 1997.
Phát triển bền vững
Ông Võ Văn Minh cho biết việc trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất cả nước, đạt mức thu nhập bình quân đầu người cao đã đặt Bình Dương trước nhiều thách thức phải đương đầu và vượt qua. Tỉnh xác định bài toán cần phải giải không chỉ là vấn đề năng suất lao động, phát triển kinh tế mà còn là việc phát triển bền vững, bình đẳng xã hội, phát triển bao trùm và đồng đều, đô thị hóa, hội nhập phát triển...
Chính vì vậy, trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh định hướng chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh, sinh thái. Trong đó, chuyển đổi mô hình phát triển từ công nghiệp - đô thị - dịch vụ sang các mô hình phát triển công nghiệp tiếp theo với 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ - thông minh - bền vững. Bình Dương sẽ xây dựng và nâng cấp các KCN hiện hữu trở thành KCN thông minh. Các KCN này có khả năng cung cấp những nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data..., giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh trong hệ sinh thái của tỉnh một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhằm gia tăng năng suất lao động, thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Giai đoạn 2 là mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ quốc tế - đổi mới sáng tạo - khoa học công nghệ. Bình Dương sẽ xây dựng những KCN gắn liền với khoa học công nghệ, thu hút các viện, trường, hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Bình Dương còn nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang tự động hóa, quy trình thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp...
Có thể kể đến một số mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực đã và sắp được triển khai gồm: Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng nhà máy trung hòa carbon hơn 1,3 tỉ USD đầu tiên tại KCN VSIP III; hay Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư hơn 200 triệu USD để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon trên diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo…
Dấu ấn doanh nghiệp đầu tàu
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng sẽ là thiếu sót rất lớn khi khảo cứu quá trình phát triển khác thường của Bình Dương nếu chú ý không đúng mức đến vai trò của Becamex IDC. Đây là một Tập đoàn kinh tế nhà nước, là "đại bàng Việt Nam đích thực" đã lớn lên cùng Bình Dương và là một trong những yếu tố chủ chốt tạo lập nên thành công của tỉnh suốt hơn 27 năm qua. Đây là điều chưa Tập đoàn kinh tế nào khác làm được ở bất cứ địa phương nào ngoài Bình Dương.
(*) Xem Người Lao Động Online từ ngày 24-9