Bình Dương khai thác 'báu vật' bị lãng quên
Thừa hưởng lợi thế tự nhiên từ sông Sài Gòn - 'báu vật' nhưng chưa tận dụng khai thác đúng mức, tỉnh Bình Dương đang từng bước triển khai chiến lược phát triển đô thị, dịch vụ, kinh tế đêm,...nhằm tái thiết không gian sống để khai thác tiềm năng quý giá này.
Đô thị sông nước
Ngày 5/5, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Hồ sơ mời thầu Khu đô thị Tây An Tây tại phường An Tây và xã Phú An (TP Bến Cát).
Trước đó, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương đã công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án khu đô thị trên.
Dự án có tổng vốn đầu tư 20.851,216 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 268 ha. Trong đó, diện tích xây dựng nhà ở khoảng 89,7 ha, gồm nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự, nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư. Các công trình thương mại liền kề (đơn vị ở) có tổng diện tích khoảng 9,23 ha. Công trình thương mại dịch vụ khoảng 18,96 ha. Quy mô dân số dự kiến khoảng 20.400 người. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Khu đô thị này có vị trí nằm ven sông Sài Gòn, cạnh dự án Cảng An Tây và dự án đường Vành đai 4 TPHCM.

Vị trí dự án Khu đô thị Tây An Tây ven sông Sài Gòn, tỉnh Bình Dương đang kêu gọi đầu tư

Phối cảnh Cảng An Tây
Theo công bố của Sở Tài chính tỉnh Bình Dương, dự án Cảng An Tây có tổng vốn đầu tư 5.621,63 tỷ đồng, trên tổng diện tích đất sử dụng là 97,54 ha tại xã An Tây (TP Bến Cát).
Theo phân kỳ đầu tư, Cảng An Tây giai đoạn đến năm 2030 có quy mô khoảng 50 ha, trong đó quy mô khu cảng hàng hóa khoảng 10 - 20 ha. Nhà đầu tư được lựa chọn có trách nhiệm phân kỳ đầu tư dự án, bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt tại thời điểm nghiên cứu dự án.
Làm đường ven sông, phát triển kinh tế đêm...
Tỉnh Bình Dương đã thống nhất đề án xây dựng đường ven sông Sài Gòn, đi qua 3 thành phố Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát và huyện Dầu Tiếng.
Theo đề án, tổng chiều dài toàn tuyến đường ven sông Sài Gòn khoảng 98,2km, kết nối với đường song hành Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM, ĐT.744 và một số dự án đang triển khai trong hành lang đường ven sông như Cụm cảng An Sơn, cảng An Tây, cảng Phú Cường Thịnh.
Trong đó, đoạn qua TP Thuận An dài 13,6km với quy mô lộ giới 32m, có 6 làn xe, hướng tuyến bám theo đường đê bao sông Sài Gòn hiện hữu (cách bờ sông từ 20 - 40m). Đoạn qua TP Thủ Dầu Một dài 16,7km với quy mô lộ giới từ 14 - 32m. Đoạn qua TP Bến Cát dài 27,9km với quy mô lộ giới từ 28 - 36,5m. Đoạn qua huyện Dầu Tiếng dài 39,79km với quy mô lộ giới 32m.

Sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm TP Thủ Dầu Một

Sông Sài Gòn đoạn qua TP Thuận An
Đường ven sông Sài Gòn, đoạn qua TP Thuận An dự kiến chi hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn từ rạch Bình Nhâm đến giáp Cảng An Sơn (thuộc phường Bình Nhâm và xã An Sơn) có chiều dài tuyến 2,2km. Đoạn này có tổng mức đầu tư dự kiến là 1.463,85 tỷ đồng.
Đoạn từ cảng An Sơn đến rạch Bà Lụa (thuộc xã An Sơn) có chiều dài tuyến 2,1km. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.389,17 tỷ đồng.
Đoạn từ đường Gia Long đến đường Vĩnh Phú 40 (thuộc phường Lái Thiêu và phường Vĩnh Phú) có chiều dài 1,8km. Dự kiến tổng mức đầu tư 1.483,68 tỷ đồng.
Đoạn từ đường Vĩnh Phú 40 đến giáp cầu Vĩnh Bình (thuộc phường Vĩnh Phú) có chiều dài 3,9km. Dự kiến tổng mức đầu tư là 1.693,61 tỷ đồng.
Đoạn qua TP Thủ Dầu Một dự kiến chi hàng nghìn tỷ đồng, trong đó đoạn dài 4,8 km (từ cầu Phú Cường đến rạch Bà Lụa) gồm 3 km đã hoàn thành xây dựng, còn 1,8 km (từ rạch Bảy Tra đến rạch Bà Lụa) đang triển khai xây dựng. Tổng vốn đầu tư cho đoạn dài gần 5 km này là khoảng 2.133 tỷ đồng, phần lớn là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đối với đoạn qua TP Bến Cát và huyện Dầu Tiếng có chiều dài gần 70 km, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu về tổng mức đầu tư và thời gian bắt đầu triển khai thực hiện.
Dự án đường ven sông Sài Gòn không chỉ thuận lợi cho người dân đi lại mà còn tạo cảnh quan đô thị. Đặc biệt, Bình Dương phát triển mô hình chợ đêm, tạo điểm vui chơi, giải trí cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh Bình Dương ví sông Sài Gòn như “báu vật” nhưng chưa được địa phương tận dụng khai thác đúng mức. Cụ thể, sông Sài Gòn hội tụ ba giá trị lớn gồm tiềm năng giao thông thủy, cảnh quan đô thị và hệ sinh thái tự nhiên. Nếu tận dụng tiềm năng này, khu vực ven sông hoàn toàn có thể trở thành không gian đô thị hấp dẫn, tích hợp các chức năng du lịch, dịch vụ, nhà ở, đồng thời gia tăng giá trị bất động sản. Ngoài ra, phát triển dọc theo sông Sài Gòn sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn, trong đó có kinh tế đêm, điều mà nhiều nơi khác đã làm rất thành công. Việc phát triển đúng hướng, xứng tầm sẽ tạo điểm nhấn thu hút du khách tới Bình Dương.