Bình Dương đánh giá nhu cầu đầu tư các dự án giao thông trọng điểm
Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã họp bàn với các sở, ngành, địa phương về xem xét nhu cầu đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh.

Ông Bùi Minh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: BTC.
Tại cuộc họp ngày 18/2, do ông Bùi Minh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đã nghe các sở, ngành trình bày báo cáo về phương án xây dựng bổ sung tuyến nhánh của dự án xây dựng đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú, thuộc tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và nhu cầu đầu tư các dự án giao thông trọng điểm theo Quy hoạch tỉnh trong giai đoạn 2026-2030.
Theo đề xuất từ huyện Phú Giáo, tuyến nhánh của dự án có điểm đầu kết nối với đường tạo lực tại ngã ba Tam Lập, xã Tam Lập (huyện Phú Giáo) và điểm cuối tại đường ĐH416, xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên). Tổng chiều dài dự kiến là 12,5 km với mức đầu tư ước tính 795,7 tỷ đồng.
Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, tỉnh đang có 13 dự án giao thông trọng điểm ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong đó nổi bật một số dự án: Nâng cấp, mở rộng đường An Bình và kết nối cầu vượt Sóng Thần; đường ven sông Sài Gòn: Qua các địa bàn TP Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát và huyện Dầu Tiếng; xây dựng cầu Hiếu Liêm kết nối huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai); kết nối đường và cầu giúp liên thông đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh với sân bay Biên Hòa; đoạn đường trục chính Đông - Tây (giai đoạn 2) từ Quốc lộ 1K đến đường Trần Hưng Đạo và Quốc lộ 13C đoạn từ đường Vành đai 4 đến đường ĐT 746.
Các dự án này được đánh giá là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và góp phần xây dựng Thành phố Thông minh Bình Dương. Hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ cũng sẽ góp phần sớm giải quyết tình trạng ùn tắc trên các tuyến giao thông huyết mạch.

Cầu qua suối Rạc nối liền Bình Dương - Bình Phước thuộc đường Tam Lập - Đồng Phú (thuộc tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, hiện tạm ngưng triển khai vì phía Bình Phước chưa bàn giao mặt bằng. Ảnh: Lâm Thiện.
Trong cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương đã thảo luận về tầm quan trọng của các dự án, phương án đầu tư và tính phù hợp của chúng với định hướng Quy hoạch tỉnh 2026-2030. Một số kiến nghị đã được đưa ra nhằm triển khai hiệu quả các dự án trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Minh Thạnh đề nghị các sở, ngành và địa phương cần rà soát, xem xét lại các dự án để đảm bảo sự đồng bộ trong quy hoạch giao thông, đặc biệt là các trục kết nối và đường vành đai, phù hợp với thực tiễn và tầm nhìn phát triển tương lai. Về nguồn vốn đầu tư, cần có sự rà soát kỹ lưỡng và tham mưu cụ thể, bao gồm cả nguồn vốn xã hội hóa, theo từng địa phương liên quan.