Bình Dương chuyển đổi năng lượng xanh hướng đến phát triển bền vững

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, địa phương này hướng đến phát triển xanh, tập trung xây dựng đô thị và hạ tầng xanh và phát triển năng lượng tái tạo.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương đặt mục tiêu xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững, dựa trên mô hình tăng trưởng xanh. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung phát triển các khu đô thị xanh với hệ thống hạ tầng xanh hiện đại vừa đảm bảo tiện ích đô thị vừa hài hòa với môi trường tự nhiên. Bình Dương cũng sẽ ưu tiên triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ hệ sinh thái. Bên cạnh đó, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, xử lý và tái chế rác thải cùng với việc quản lý hiệu quả nguồn nước đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển dài hạn của tỉnh.

Để đảm bảo nguồn điện và năng lượng sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Dương sẽ phát triển mạnh mẽ hệ thống lưới điện, phù hợp với định hướng phát triển tổng thể. Mục tiêu này không chỉ đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định cho sự tăng trưởng kinh tế mà còn đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Bình Dương sẽ đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII), đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng sạch, an toàn và lâu dài cho các ngành công nghiệp, khu công nghiệp và các khu vực dân cư. Đặc biệt, kế hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo tiền đề để tỉnh có thể triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ đầu tư xây dựng mới, đồng thời nâng cấp và cải tạo hệ thống trạm biến áp và đường dây điện 110kV cùng với các đường dây trung thế, hạ thế để đảm bảo kết nối ổn định với các nguồn điện mới, đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng mạnh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ khai thác tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện sinh khối và điện rác, không chỉ nhằm giảm thiểu phát thải mà còn góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, tăng cường tính bền vững cho hệ thống năng lượng của tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương nhấn mạnh rằng việc quy hoạch lưới điện của tỉnh sẽ từng bước ngầm hóa, đồng bộ với các hạ tầng kỹ thuật khác như viễn thông, truyền hình, cấp thoát nước tại các khu vực đã được quy hoạch ổn định. Điều này sẽ góp phần nâng cao tính thẩm mỹ cho đô thị, giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự cố điện và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tỉnh cũng đang tích cực phát triển mạng lưới trạm sạc điện tại các khu chung cư, khu công cộng và các đầu mối hạ tầng năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon và khí mê-tan trong ngành giao thông vận tải, theo chương trình hành động quốc gia đã được phê duyệt.

Ngoài ra, Bình Dương sẽ phát triển hệ thống hạ tầng cung ứng và dự trữ nguồn xăng dầu, khí đốt an toàn, liên tục, đáp ứng nhu cầu không chỉ của nền kinh tế mà còn đảm bảo quốc phòng, an ninh cho tỉnh. Với hệ thống kho xăng dầu có tổng sức chứa 110.100m³ và kho LPG có sức chứa từ 6.000 đến 7.000m³, Bình Dương sẽ đảm bảo nguồn cung cấp ổn định và an toàn trong các tình huống khẩn cấp. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi hạ tầng nhiên liệu theo hướng sử dụng nhiên liệu sạch, phát triển các trạm nạp điện cho xe động cơ điện, nhiên liệu sinh học và hydrogen góp phần hiện thực hóa cam kết quốc gia về giảm phát thải ròng carbon về “0” vào năm 2050.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ tiến hành nâng cấp công suất phát của các trạm biến áp 500kV, 220kV và 110kV nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, trạm 500kV Tân Định và Tân Uyên hiện có công suất 1.800MVA sẽ được nâng lên 2.700MVA vào năm 2030 giúp tăng khả năng truyền tải điện cho các khu công nghiệp và dân cư trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng mới hai trạm 500kV Bình Dương 1 và Bình Dương 2 với mục tiêu đạt công suất 1.800MVA vào năm 2030 và sau đó sẽ nâng lên 2.700MVA. Đây là những bước quan trọng trong việc đảm bảo ổn định nguồn cung cấp điện cho các hoạt động công nghiệp và đô thị hóa đang phát triển nhanh chóng tại Bình Dương.

Đối với hệ thống trạm 220kV, ngành điện sẽ đầu tư xây dựng 7 trạm với tổng công suất 6.250MVA vào năm 2030. Đồng thời, sau năm 2030 sẽ bổ sung thêm 3 trạm với công suất 750MVA đảm bảo cung cấp điện ổn định cho cả khu vực sản xuất và dân cư. Riêng đối với trạm 110kV, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 41 trạm đang hoạt động nhưng phần lớn trong tình trạng đầy tải. Để khắc phục vấn đề này, tỉnh Bình Dương sẽ đầu tư xây dựng thêm 109 trạm mới nhằm gia tăng khả năng đáp ứng phụ tải điện cho các khu công nghiệp và dân cư, đặc biệt là những khu vực có nhu cầu điện năng cao.

Bên cạnh đó, ngành điện lực cũng đang tích cực phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu điện mặt trời tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ đạt 1.497MW và con số này sẽ tăng lên 5.359MW vào năm 2050. Đối với khu vực ngoài các khu công nghiệp, dự báo nhu cầu điện mặt trời sẽ đạt 1.781MW vào năm 2030 góp phần quan trọng trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng truyền thống và bảo vệ môi trường.

Về điện sinh khối từ rác, khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương hiện đang vận hành với công suất phát 9,6MW. Sau năm 2030, nhà máy này sẽ được nâng cấp và mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tỉnh. Ngoài ra, Bình Dương đã quy hoạch xây dựng Nhà máy điện rác Biwase với công suất 30,4MW và Nhà máy điện rác tại khu xử lý chất thải Tân Long, huyện Phú Giáo với công suất 30MW, dự kiến nâng lên 40MW sau năm 2030. Tại khu xử lý chất thải Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, nhà máy điện rác có công suất 10MW cũng sẽ được nâng cấp lên 20MW sau năm 2030. Những bước đi này không chỉ giúp Bình Dương giải quyết vấn đề rác thải mà còn góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải carbon và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Để thực hiện được ước mơ xanh hóa của mình, trước hết tỉnh Bình Dương cần có sự chuẩn bị về mặt hạ tầng, cơ sở phù hợp. Như chia sẻ của GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế môi trường Việt Nam trong buổi trao đổi với Tạp chí Kinh tế môi trường mới đây, ông cho biết: “Muốn phát triển loại hình phát điện thuộc loại mới này phải có điều kiện cơ sở hạ tầng đi kèm như hệ thống giao thông tốt để vận chuyển turbin gió thuộc loại kích thước, khối lượng lớn, phải có hệ thống đấu nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia phù hợp với đặc tính phát điện không liên tục theo thời gian,... Ngoài ra, cho đến nay, những năm đầu thập kỷ 20 của Thế kỷ 21, giá thành điện gió, điện mặt trời vẫn còn ở mức cao, nhất là ở Việt Nam, khi chúng ta chưa tự chế tạo được thiết bị, phải nhập khẩu, vận chuyển từ rất xa về. Vì vậy, chắc chắn phải có những chính sách hỗ trợ kinh phí dưới dạng nào đấy để các doanh nghiệp tham gia có thể thu được lợi nhuận. Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ giá mua điện năng lượng gió, năng lượng mặt trời nên đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất điện NLTT ở lãnh thổ Việt Nam”.

Chuyển đổi năng lượng xanh là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Để thành công, Bình Dương cần xây dựng một chiến lược phát triển năng lượng xanh dài hạn, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của năng lượng xanh cũng là những yếu tố cần thiết để đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi này.

Thanh Trúc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/binh-duong-huong-toi-mot-tuong-lai-xanh-92187.html
Zalo