Bình Định: Xuất hiện hàng chục 'ổ voi,' 'ổ gà' trên Quốc lộ 1A sau mưa lớn
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Bình Định hiện có gần 100 điểm bị hư hỏng tạo nên nhiều 'ổ gà,' có nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên toàn tuyến.
Sau nhiều ngày mưa lớn ở Bình Định, hiện trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh xuất hiện hàng chục điểm bị bong tróc, tạo nên những “ổ voi,” “ổ gà” gây bức xúc và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Dọc Quốc lộ 1, đoạn đi qua xã Phước Lộc và thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), làn đường 2 bên xuất hiện dày đặc các “ổ gà," "ổ voi." Có những vị trí mặt đường hư hỏng rộng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Tiến Lộc, người dân thị xã An Nhơn tham gia giao thông qua đoạn đường này, cho biết mỗi lần từ thị xã vào thành phố, ông rất sợ đi qua đoạn này vì nhiều "ổ gà" to, đường quốc lộ nên xe cộ nhiều, nhiều xe trọng tải lớn, các phương tiện phải rất cẩn thận để không gặp nguy hiểm.
Trước thực trạng này, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Định đã có công văn gửi Ban An toàn giao thông tỉnh, Văn phòng Quản lý đường bộ III.4. Văn bản nêu rõ theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Bình Định hiện có gần 100 điểm bị hư hỏng tạo nên nhiều "ổ gà," có nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên toàn tuyến.
Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 cũng đã có công văn yêu cầu các nhà đầu tư BOT, các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên bổ sung thêm các mũi thi công, tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, xử lý kịp thời các hư hỏng trên tuyến, tuyệt đối không để tồn tại "ổ gà," đọng nước mặt đường.
Trong điều kiện thời tiết bất lợi chưa thể vá sửa triệt để, các đơn vị lựa chọn vật liệu phù hợp (cấp phối đá dăm gia cố ximăng; vật liệu cào bóc trộn nhũ tương hoặc ximăng; đá hộc, đá ba, 4x6 chêm chèn…) để vá sửa tạm, đảm bảo giao thông; đồng thời bố trí đầy đủ hệ thống an toàn giao thông để cảnh báo.
Khi thời tiết thuận lợi, các đơn vị vá sửa ngay bằng bêtông nhựa; bố trí máy lu, đầm cóc (tuyệt đối không dùng đầm bàn) để đầm lèn chặt theo quy định; khơi thông các vị trí nước đọng mặt, lề đường, cầu, cống, rãnh để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ trên tuyến./.