Bình Định: Truyền thông góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tác hại của thuốc lá
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, tỉnh Bình Định đã triển khai đa dạng, phong phú các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Qua đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá, hạn chế tỷ lệ hút thuốc, bảo vệ sức khỏe người dân và hỗ trợ hiệu quả cho việc thực thi các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2025 và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5/2025 của tỉnh Bình Định. Ảnh: ST
Hiệu quả từ đa dạng các loại hình truyền thông
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh triển khai công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Theo đó, trong năm 2024, Bình Định đã có 30 lần phát sóng truyền hình, 30 lần phát sóng phát thanh, 30 poster truyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá; trên 500 đoàn viên, thanh niên tham dự “Ngày hội Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử năm 2024”.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh truyền thông trực tiếp bằng các buổi sinh hoạt chuyên đề ở cơ sở; truyền thông lưu động bằng xe loa tại 11 huyện, thị xã, thành phố; tuyên truyền trên bảng điện tử tại Quảng trường trung tâm TP. Quy Nhơn; tổ chức Lễ phát động nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5... Đồng thời, tuyên truyền đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp các tài liệu như: pano, áp phích, băng rôn tuyên truyền đường phố, bảng hiệu cơ quan không thuốc lá; tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về tác hại thuốc lá, quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thực thi môi trường không thuốc lá.
Ban Chỉ đạo về phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Bình Định đã được kiện toàn, tổ chức nhiều buổi Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, nhiều lớp tập huấn tư vấn cai nghiện thuốc lá cho nhân viên y tế cơ sở; hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn và các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh.
Nhờ các chiến dịch truyền thông, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ hơn về tác hại của thuốc lá, những nguy cơ mà bản thân và người xung quanh có thể phải đối mặt khi tiếp xúc với khói thuốc, từ đó giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Kết quả điều tra Giám sát sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2024 tại Bình Định cho thấy, có 57,6% người hút thuốc có ý định bỏ trong tương lai; 90,4% người đã nỗ lực bỏ thuốc và nhận được lời khuyên từ cán bộ y tế.
Đặc biệt, có tới 99% người từ 15 tuổi trở lên tin rằng thuốc lá là nguyên nhân gây ung thư phổi; 76,4% nhận thức rằng thuốc lá liên quan đến ba bệnh chính gồm: Đột quỵ, nhồi máu cơ tim và ung thư phổi. Tỷ lệ đồng thuận với nhận định rằng khói thuốc lá thụ động cũng gây hại cho sức khỏe là 92,8%.
Về nhận thức pháp luật, có 81,8% người dân ủng hộ việc tăng thuế thuốc lá và 67,9% đã từng nghe đến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương được ghi nhận có vai trò tích cực trong việc triển khai Luật, đồng thời nhận được sự đồng thuận của cộng đồng.
Tiếp tục nâng cao nhận thức người dân qua các chiến dịch truyền thông
Nhằm tăng cường việc thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc lá và tỷ lệ tiếp xúc thụ động với thuốc lá trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá và những tác hại của việc sử dụng thuốc lá.
Trong đó, tỉnh đề ra mục tiêu trong năm 2025, 100% lãnh đạo tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương và 80% người dân tại cộng đồng hiểu biết về quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; 96% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 94% người dân tại cộng đồng hiểu biết về các bệnh do hút thuốc lá gây ra.


Năm 2024, Tỉnh đoàn Bình Định đăng cai tổ chức Ngày hội "Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử"với sự tham gia của hơn 500 bạn đoàn viên, thanh niên. Ảnh: ST
Để đạt được các mục tiêu trên, theo Kế hoạch tổ chức các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2025, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch, sáng kiến truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá dựa vào cộng đồng thông qua Hội thi tìm hiểu kiến thức về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan không có khói thuốc lá, phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả; sử dụng mạng xã hội, website, ứng dụng di động để tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và cung cấp các kiến thức, thông tin hỗ trợ cai thuốc.
Bên cạnh tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bình Định dự kiến trong năm 2025 sẽ tổ chức 45 buổi truyền thông trực tiếp về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Qua đó, phấn đấu 95% cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc trong nhà; 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện có quy định và thực thi nghiêm môi trường không khói thuốc trong khuôn viên đơn vị; 80% các công ty xe khách thực hiện quy định cấm hút thuốc trên các phương tiện vận chuyển hành khách…
Cùng với đó, xây dựng, hỗ trợ hoạt động, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng nội dung và tổ chức đưa giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học; tập huấn chuyên sâu nâng cao năng lực và kỹ năng truyền thông cho các cán bộ tham gia công tác giảng dạy các hoạt động về phòng, chống tác hại của thuốc lá…
Đặc biệt, hưởng ứng tích cực Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc (từ ngày 25-31/5) và Ngày Thế giới không khói thuốc lá 31/5, Bình Định sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Lễ mít-tinh; đội xe cổ động lưu động trên đường phố; kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh tham gia công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; tuyên truyền tác hại của thuốc lá, nhất là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe các thành viên trong gia đình, người xung quanh và cộng đồng; các bệnh do thuốc lá gây ra và tư vấn cai nghiện thuốc lá…/.