Bình Định: Người dân sống thấp thỏm bên bờ sông sạt lở
Ngày nắng sống thấp thỏm trong những căn nhà bên bờ sông sạt lở, ngày mưa bão lại phải đùm túm nhau trú ngụ dưới chân cầu. Đó là thực trạng của 18 hộ dân ở phía Tây cầu Gành, khu vực Huỳnh Kim, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đang phải gánh chịu. Tình trạng sạt lở bờ sông Côn khu vực này đã diễn ra nhiều năm qua và đang từng ngày, từng giờ uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân nơi đây.
Đã hơn chục năm qua, 18 hộ dân với 89 nhân khẩu ở phía Tây cầu Gành, khu vực Huỳnh Kim, thị xã An Nhơn luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu bởi “hà bá” có thể nuốt nhà cửa, tài sản của họ bất cứ lúc nào. Những căn nhà của các hộ dân nơi đây phần lớn được xây dựng trên 20 năm nên có hiện tượng bị xuống cấp, cùng với việc khúc sông Côn này liên tục bị xoáy lở khiến khu vực phía sau nhà tiếp giáp với bờ sông của các hộ dân bị nước ăn sâu vào chân nhà gây nứt tường, nghiêng sụt về hướng bờ sông.
Bà Phan Thị Sánh sinh sống khu vực này cho biết: “Nhà tôi ở đây từ ngày mới giải phóng. Phía sau nhà, trước đây còn 4-5m đất mà nay bị sạt vào hết rồi, nhà cửa thì nứt hết. Mỗi lần sạt lở lại gia cố, nhưng gia cố nay thì mai lại lở tiếp, giờ chúng tôi cũng không còn tiền để mà sửa chữa nữa rồi. Nhà cửa chông chênh nên tôi cho con cái đi thuê chỗ khác ở hết, chỉ còn lại 2 ông bà già ở lại thôi”.
“Hà bá” ngày càng ăn sâu vào đất liền, chực chờ nuốt chửng những ngôi nhà khiến một số hộ dân vì lo sợ tính mạng đã rời đi nơi khác sinh sống. Sau khi chia sẻ với phóng viên về tình trạng của gia đình, bà Phan Thị Sánh đưa chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Phước (72 tuổi), nhìn bề ngoài, căn nhà của bà Lê Thị Phước khá kiên cố, thế nhưng vào bên trong mới thấy căn nhà đã bị nghiêng một nửa về hướng sông, nền nhà sụt lún, nứt toác.
Bà Lê Thị Phước chia sẻ: “Nhà tôi ở đây từ năm 1980. Trước đây bà con ở đây trồng tre xung quanh, kè rọ đá để chống sạt lở nhưng rồi cũng bị cuốn đi hết. Nhà tôi đã 3 lần gia cố, tốn rất nhiều tiền của nhưng rồi đâu cũng vào đây, cứ bão đến là lại sạt lở. Mỗi lần lụt hay gió bão tôi rất sợ, phải bỏ nhà đi chứ không dám ở. Nhà cửa không kiên cố, chỉ cần 1 cơn lũ là ùa đi luôn. 18 nóc nhà ở đây cũng kiến nghị các cấp nhiều lần rồi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Sát bên nhà bà Lê Thị Phước, căn nhà của bà Nguyễn Thị Giống (58 tuổi) cũ kỹ, nằm lọt thỏm giữa 2 nhà. Sau những trận bão, căn nhà của bà trơ ra những mảng tường nứt toác, ánh sáng bên ngoài có thể lọt qua khe nứt vào bên trong.
“Khu vực này bị sạt lở từ lâu lắm rồi nhưng nặng nhất là đợt mưa bão năm 2017 làm tình trạng nghiêm trọng hơn. Sau trận bão, căn nhà của tôi gần như bị bẻ đôi. Một nửa sau nhà bị giật ngược về phía sông Côn, toàn bộ trần nhà bị sạt xuống hết, mái tôn bị toác ra làm đôi, còn nền nhà thì bị sụt lún, gãy nền hết, cây cối, giếng nước đều bị xóa sổ. Không có chỗ ở, nên tôi đành phải chắp vá thêm một lớp tôn để che chắn lại”, bà Nguyễn Thị Giống kể.
Hoang mang, lo sợ và bất an luôn thường trực đối với các hộ dân. Những ngày “trời yên biển lặng” họ còn được sống trong ngôi nhà của mình, nhưng mỗi khi mưa bão, gió to thì gầm cầu Gành phía trước lại là nơi trú ngụ của những hộ dân này. Bởi dù sao, dưới chân cầu mưa có tạt chút nhưng tính mạng còn đảm bảo…
Không chỉ đối mặt với nguy cơ sạt lở, mất nhà cửa, nguy hiểm đến tính mạng, những hộ dân ở đây lại còn đối mặt với tình trạng không có nước sạch để hoạt hàng ngày. Theo bà Nguyễn Thị Giống, giếng thì bị sạt lở, nước sạch không có. Dân ở đây giờ toàn phải sử dụng bằng nước mua, còn không thì phải bơm nước từ dưới sông lên rồi lọc lại để tắm rửa.
Trao đổi về tình trạng này, ông Nguyễn Minh Muộn, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa xác nhận, vị trí này không ngập lụt nhưng lại ảnh hưởng bởi dòng chảy của sông Côn. Do nằm sát bờ sông nên hằng năm nước trên đầu nguồn chảy xuống, dội vô gây xói lở dần. Đến nay, đã xói lở từ 2,5 - 3m, nguy cơ sạt lở cao, gây ảnh hưởng tới an toàn tính mạng của người dân trong mùa mưa bão.
Địa phương đã làm báo cáo gửi đến các cấp, người dân cũng có phản ánh trong các đợt tiếp xúc cử tri với Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐNĐ tỉnh, thị xã. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa có phương án di dời rõ ràng. “Di dời theo cách nào? Nguồn vốn ở đâu? Bởi, làm theo đầu tư công thì kinh phí của thị xã cũng rất khó vì chi phí rất lớn. Còn vốn trung ương hỗ trợ để làm đê, kè thì tới thời điểm bây giờ vẫn chưa có”, ông Nguyễn Minh Muộn cho hay.
Để đảm bảo an toàn cho 18 hộ trong công tác phòng chống bão lụt năm 2024, UBND phường Nhơn Hòa đã lên phương án di dời 18 hộ này đến trụ sở khu vực Huỳnh Kim (cách đó 200m) để tránh trú bão lụt khi mưa bão đến.
“UBND phường cũng đã bố trí 03 phương tiện xe ben để phục vụ chuyển chở và đã liên hệ ký kết với các đại lý cung cấp thực phẩm, mỳ ăn liền, nước uống, thuốc men đủ dùng cho 18 hộ dân trong thời gian di dời phòng tránh bão lũ. Đồng thời bố trí lực lượng dân quân của phường túc trực 24/24 tại điểm di dời 18 hộ dân nhằm đảm bảo tài sản của các hộ dân”, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa cho hay.