Bình Định: Đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024
Tỉnh Bình Định hiện có 90 điểm nguy cơ sạt lở, trong đó có 15 điểm nguy cơ sạt lở cao. Việc đảm bảo an toàn cho người dân nằm trong vùng sạt lở trong mùa mưa bão sắp tới là nỗi lo rất lớn của lãnh đạo tỉnh này.
Năm 2024, Bình Định được cảnh báo là năm có thiên tai bất thường. Mùa khô cảnh báo nắng nóng, hạn hán thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, xâm nhập mặn. Mùa mưa sẽ xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tỉnh từ 1-2 cơn; tập trung mưa vào tháng 10-11, có khả năng xảy ra 4-5 đợt mưa lớn trên diện rộng. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát đề xuất việc hỗ trợ kinh phí khắc phục các hồ chứa, đê kè xung yếu trên địa bàn để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ và chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xem xét đề xuất việc hỗ trợ các trang thiết bị như áo phao, phao cứu sinh, nhà bạt, bao cát,… cho các đơn vị, địa phương để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2024; hỗ trợ xây dựng nhà cộng đồng tránh lũ tại 02 xã vùng trũng trọng yếu.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp Ban Quản lý dự án (QLDA) giao thông tỉnh và UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, yêu cầu thực hiện thanh thải dòng chảy tại các vị trí cầu, cống, các dự án đang triển khai để đảm bảo thoát lũ, không gây sa bồi thủy phá. Giao các Ban QLDA tỉnh, UBND các huyện thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai ngay việc thông thoáng dòng chảy tại các cầu, cống, sông, suối, trục tiêu, phạm vi thi công các dự án (theo trách nhiệm của chủ đầu tư dự án),…
Đặc biệt, thông thoáng dòng chảy dọc theo các dự án: Tuyến đường ven biển đoạn Diêm Vân – Cát Tiến, đoạn từ đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân; Nâng cấp tuyến ĐT.640 – Cát Tiến; Tuyến đường tránh ĐT.633 (đoạn từ Núi Ghềnh đến giáp đường ven biển ĐT.639)… để đảm bảo thoát nước, tránh ngập úng trong mùa mưa, lũ năm 2024; đồng thời, khẩn trương xây dựng phương án ứng phó thiên tai các công trình đang xây dựng, đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ.
Sở Tài nguyên và Môi trường cần kiểm tra các mỏ khai thác khoáng sản (cát), hoàn thành việc thông thoáng dòng chảy theo thời gian quy định (trừ các mỏ khai thác khoáng sản (cát) được khai thác cát được UBND tỉnh cho phép khai thác trong mùa mưa để phục các dự án trọng điểm).
UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần chủ động kiểm tra, rà soát đánh giá các khu vực trọng yếu có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Kịp thời điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các kế hoạch, phương án phù hợp, sát với thực tế ở từng địa phương. Các hồ chứa xuống cấp, hư hỏng nặng, cần rà soát và có phương án tích nước hợp lý, đảm bảo an toàn trong mùa mưu lũ năm 2024; thường xuyên kiểm tra, chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó khi có sự cố. Đối với các đoạn đường bê tông bị xói lở, triển khai ngay các biện pháp gia cố đoạn bị xói lở và có biển cảnh báo để người dân biết để chủ động phòng tránh…
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ban QLDA 2, Ban 85 chỉ đạo các đơn vị thi công các gói thầu thuộc dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, qua địa bàn tỉnh Bình Định khẩn trương kiểm tra và tổ chức thông thoáng dòng chảy tại các vị trí cầu, cống, đường công vụ,… để bảo đảm thoát lũ tránh ngập úng và phải có các giải pháp hiệu quả bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa, lũ năm 2024.
Liên quan đến việc chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão 2024, tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang thông tin: Đối với các điểm có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn tỉnh như: Khu vực núi Đá, thôn Trà Cong, xã An Hòa (huyện An Lão), khu vực núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát)… tỉnh đã có phương án xây dựng khu tái định cư để bố trí cho những hộ trong vùng sạt lở, đến nay các thủ tục đầu tư đang triển khai thực hiện. Trước mắt, chưa kịp di dời dân tỉnh cũng đã xây dựng các phương án kỹ lưỡng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân nếu xảy ra sự cố.
“Tỉnh Bình Định đã có phần mềm quản lý thiên tai, tương ứng với từng tình huống thiên tai, khu vực nào cần phải di dời và di dời đi đâu thì đều có kế hoạch hết. Hiện tỉnh đang tập trung tất cả nguồn lực, rà soát lại toàn bộ các phương án để chỉ đạo theo đúng tinh thần để làm sao hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản cũng như thiệt hại về sản xuất trong mùa mưa bão”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho biết.