Bình đẳng giới phải dẫn đầu hành động khí hậu toàn cầu

Khủng hoảng khí hậu là một trong những thách thức quan trọng nhất mà nhân loại đang phải đối mặt ngày nay. Trong đó, nó vượt qua suy thoái môi trường, đe dọa đảo ngược nhiều thập kỷ tiến bộ trong phát triển bền vững, sức khỏe cộng đồng, quyền con người và ổn định kinh tế.

 Phải tăng cường tiếng nói của nữ giới trong chính sách và hành động đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính Online

Phải tăng cường tiếng nói của nữ giới trong chính sách và hành động đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính Online

Tuy nhiên, điều thường bị bỏ qua là biến đổi khí hậu không phải là vấn đề trung lập về giới. Tác động của biến đổi khí hậu gây nên những ảnh hưởng riêng đến phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những người từ các cộng đồng thiểu số và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới hiện có.

Để giải quyết khủng hoảng khí hậu một cách hiệu quả, điều quan trọng là phải đưa công lý và bình đẳng giới vào trọng tâm của hành động khí hậu toàn cầu.

Tác động không cân xứng

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, nhiều bài nghiên cứu đã cho thấy biến đổi khí hậu gây nên những tác động không cân xứng đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cụ thể:

Ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các cộng đồng nông thôn và thu nhập thấp, phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý các nguồn tài nguyên gia đình như nước, thực phẩm và nhiên liệu. Khi biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các nguồn tài nguyên này trở nên khan hiếm hơn. Hạn hán, nạn phá rừng và lượng mưa thất thường khiến phụ nữ và trẻ em gái phải di chuyển xa hơn để lấy nước và nhiên liệu, đa phần họ sẽ làm điều này trong điều kiện không an toàn. Gánh nặng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của họ mà còn có thể buộc các bé gái phải nghỉ học để giúp đỡ việc nhà.

Thêm vào đó, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nhiệt độ toàn cầu tăng và các thảm họa do khí hậu gây ra làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, làm tăng tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nhiệt độ cực cao liên quan đến tình trạng thai chết lưu, trong khi các kiểu thời tiết thay đổi đẩy nhanh sự lây lan của các bệnh do vector truyền như sốt rét và sốt xuất huyết.

Ở những khu vực bị thiên tai, việc tiếp cận cứu trợ thường không bình đẳng. Phụ nữ thường bị hạn chế về khả năng di chuyển, quyền ra quyết định và khả năng tiếp cận thông tin cứu sinh, khiến họ dễ bị tổn thương và tử vong hơn trong các sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Sau thảm họa, phụ nữ ít có khả năng nhận được viện trợ và có nguy cơ bị bạo lực giới tính cao hơn.

Mối đe dọa khiến tình trạng bất bình đẳng giới tăng theo cấp số nhân

Nhiều nhận định cho rằng, biến đổi khí hậu được xem như mối đe dọa khiến tình trạng bất bình đẳng giới tăng theo cấp số nhân.

Đầu tiên, phải kể đến xung đột và bạo lực.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ xung đột. Ở các vùng xung đột, phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh mong manh như vậy có nguy cơ cao hơn sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục, buôn người và tảo hôn.

Thứ hai, gây mất an ninh lương thực và nghèo đói.

Theo Báo cáo Giới tính năm 2024, đến năm 2050, biến đổi khí hậu có thể đẩy thêm 158 triệu phụ nữ và trẻ em gái vào cảnh nghèo đói, nhiều hơn 16 triệu người so với nam giới. Ngày nay, so với nam giới, số lượng phụ nữ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cao hơn 47,8 triệu người. Khi thực phẩm trở nên khan hiếm trong khi một số nơi có quy định rằng phụ nữ phải ăn sau cùng và ăn ít nhất, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của họ.

Công lý khí hậu và định hướng chính sách toàn cầu

Để giải quyết vấn đề, cần hiểu rõ về công lý khí hậu của nữ quyền, từ đó định hướng chính sách toàn cầu.

Được biết, tiếng nói và đại diện của phụ nữ vẫn chưa được thể hiện đầy đủ trong các cuộc đàm phán về khí hậu, hoạch định chính sách quốc gia và quản lý môi trường. Do đó, đảm bảo tiếng nói của phụ nữ và quyền của nữ giới trong các chiến lược về khí hậu, cam kết các chính sách được thực hiện công bằng, toàn diện là điều cần thiết.

Một vấn đề rất đáng quan tâm là hầu hết các khoản tài trợ về khí hậu hiện đều không xem xét đến giới. Vì vậy, tăng cường đầu tư vào các dự án trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và công tác chăm sóc có thể xây dựng khả năng phục hồi khí hậu và giảm nghèo. Các công việc "xanh" phải được tiếp cận với phụ nữ thông qua giáo dục, đào tạo và tiếp cận vốn.

Trước tình hình hiện nay, lời kêu gọi hành động vì khí hậu bao gồm cả giới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Con đường hướng đến một thế giới bền vững, có khả năng chống chịu với khí hậu phụ thuộc vào việc giải quyết bất bình đẳng về mặt cấu trúc đối với cả môi trường và giới.

Sự lãnh đạo, kinh nghiệm sống và các giải pháp sáng tạo của nữ giới là điều cần thiết để tạo ra một tương lai công bằng, toàn diện và bền vững cho tất cả mọi người. Để chống lại biến đổi khí hậu hiệu quả, chính phủ các nước phải tăng cường tiếng nói của họ, hỗ trợ sự lãnh đạo của họ và đầu tư vào tương lai của họ.

Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/binh-dang-gioi-phai-dan-dau-hanh-dong-khi-hau-toan-cau-152949.html
Zalo