Bình dân học vụ số 'chìa khóa' của kỷ nguyên số

Chỉ vài ngày sau khi nước nhà giành được độc lập, nhận thức rõ những khó khăn, hiểm họa của nạn giặc dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thành lập phong trào 'Bình dân học vụ'.

Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cũng là lúc nước ta rơi vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” bởi phải đối phó với 3 loại giặc lúc bấy giờ đó là: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chính vì thế, ngay sau những ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Chính phủ và đưa ra những kế sách và ban hành nhiều chỉ thị quan trọng đối với nhà nước non trẻ. Trong đó, việc ban hành quyết định thành lập Nha bình dân học vụ (8/9/1945) được xem là một quyết định vô cùng sáng suốt và thể hiện tầm nhìn, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với nền giáo dục nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi đích danh hiện tượng này là “giặc dốt”. Và đây là một trong ba loại “giặc” mà nhà nước non trẻ vừa mới thành lập phải đối mặt. Từ đó, phong trào Bình dân học vụ ra đời là nhằm giải quyết việc diệt "giặc dốt", một trong các vấn đề cấp bách nhất để xóa nạn mù chữ cho nhân dân, sau đó nhiều sắc lệnh về việc xóa nạn mù chữ được ban hành. Ngày nay, trong kỷ nguyên số và hướng tới xã hội thông minh, tinh thần ấy không chỉ được kế thừa mà còn được nâng tầm với phong trào “Bình dân học vụ số”. Phong trào với mục đích đưa công nghệ đến gần hơn với người dân, qua đó, người dân có thể nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang lại. Ở Bình Thuận, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các tổ chức đoàn đồng loạt ra mắt đội hình “Bình dân học vụ số”, hướng đến nâng cao nhận thức và kỹ năng công nghệ cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các đội hình “Bình dân học vụ số” với thành phần là cán bộ đoàn, đoàn viên, hội viên, thanh niên có kiến thức tốt về công nghệ làm nòng cốt, thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, hỗ trợ phổ cập kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, tổ chức các khóa học trực tiếp, trực tuyến về kỹ năng số, hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, thiết bị thông minh, mạng xã hội…Bên cạnh đó, các đội hình còn hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số, hướng dẫn người dân, hộ gia đình tham gia, nâng cao kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử uy tín, hướng dẫn bảo mật thông tin, tránh bị lừa đảo trực tuyến, nhận diện và phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số… Đến nay, tỉnh đã duy trì và triển khai hơn 110 đội hình thanh niên tình nguyện “Bình dân học vụ số” do thanh niên làm nòng cốt. Tùy vào điều kiện thực tế và nhu cầu, các lớp “Bình dân học vụ số” được các cấp bộ đoàn triển khai trong cộng đồng dân cư, thanh niên theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Những năm qua, Bình thuận đã chuyển đổi số mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực, cùng với cải cách hành chính, toàn tỉnh đã có 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết trên môi trường mạng, hệ thống mạng băng thông rộng phủ sóng đến 100% khu dân cư, cơ sở dữ liệu dân cư và các nền tảng chính phủ điện tử được triển khai đồng bộ, 100% văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh được xử lý trên môi trường điện tử. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc đều được thực hiện trên môi trường số ở cả 3 cấp.

Mục tiêu của tỉnh là tiếp tục phổ cập tri thức, kỹ năng số cơ bản cho mọi người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, bao trùm, sâu rộng. Đồng thời phát huy và huy động tổng thể, có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, của xã hội, của doanh nghiệp và của toàn dân, phát huy truyền thống văn hóa, hiếu học, tinh thần học tập suốt đời, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam. Bảo đảm các cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp để triển khai phong trào thiết thực, hiệu quả, bảo đảm thông suốt về hạ tầng, tính đồng bộ, tính liên kết, tính linh hoạt, không hình thức, màu mè và đúng đối tượng. bên cạnh đó xây dựng hệ sinh thái học tập số, xây dựng cơ chế khuyến khích và tạo động lực học tập. Xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên số, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả. Để thực hiện thành công phong trào “Bình dân học vụ số”, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt người đứng đầu, cần tiên phong nâng cao năng lực số, thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương và cơ quan, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn kết với cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận kỹ năng số, dịch vụ, nền tảng số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, động lực của chuyển đổi số. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần tích cực hưởng ứng phong trào. Doanh nghiệp công nghệ giữ vai trò tiên phong, phổ cập kỹ năng số thông qua các nền tảng, dịch vụ và giải pháp phù hợp, đồng hành cùng chính quyền và nhân dân trong công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt là đẩy nhanh triển khai Đề án nâng cao kỹ năng số, tích hợp kiến thức số và trí tuệ nhân tạo vào giáo dục phổ thông. Đầu tư hạ tầng số, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ thiết bị số cho người khó khăn. Phát huy tổ công nghệ số cộng đồng, cùng các mô hình gia đình số, nông thôn số, thành thị số để lan tỏa kỹ năng số rộng khắp…

PHAN LIÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/binh-dan-hoc-vu-so-chia-khoa-cua-ky-nguyen-so-129763.html
Zalo