'Bình dân học vụ số'

Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng 'Bình dân học vụ số' vừa được phát động hôm 26/3. Tháng 9/1945, ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Nhà nước Việt Nam mới ra đời, Bác Hồ đã phát động toàn dân tham gia phong trào 'Bình dân học vụ'.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Ở hai thời điểm lịch sử cách nhau gần một thế kỷ, hai phong trào lớn về học tập phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mới, với truyền thống ham học hỏi và kinh nghiệm dạy và học trong thực tiễn, người biết nhiều dạy người biết ít và người chưa biết. Điều này đúng như cha ông ta đã nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Còn Tổng Bí thư Tô Lâm thì nhấn mạnh: “Bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập, phát triển”.

Bây giờ nhiều người vẫn còn chưa quen với cụm từ “chuyển đổi số”. Vấn đề đầu tiên cần học và hiểu là: Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế và xã hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình và tạo ra giá trị mới. Nó không chỉ đơn thuần là số hóa dữ liệu, mà còn là sự thay đổi toàn diện về cách vận hành, mô hình kinh doanh và phương thức tương tác trong xã hội.

Hoặc khi nói đến “kinh tế số” cũng phải hiểu đó là thuật ngữ mới, chỉ một nền kinh tế dựa trên công nghệ số, trong đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa và dịch vụ được thực hiện thông qua các nền tảng số, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Các thành phần quan trọng của kinh tế số bao gồm thương mại điện tử, tài chính số, công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT).

Còn “xã hội số” là một xã hội mà công nghệ số được áp dụng rộng rãi vào đời sống hàng ngày, giúp nâng cao chất lượng sống, tối ưu hóa quản lý nhà nước, giáo dục, y tế và các dịch vụ công. Trong một xã hội số, con người có thể học tập, làm việc, giao tiếp và giải trí chủ yếu qua các nền tảng số.

Rõ ràng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu giúp hình thành kinh tế số và xã hội số, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Phong trào “Bình dân học vụ số” vừa được phát động là một sáng kiến rất ý nghĩa, cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Nó giúp phổ cập kiến thức và kỹ năng số đến mọi tầng lớp nhân dân. Nó không chỉ giới hạn trong doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước, mà còn mở rộng đến từng cá nhân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, người cao tuổi và lao động phổ thông.

Sáng kiến phát động phong trào “Bình dân học vụ số” là yếu tố quan trọng góp phần thu hẹp khoảng cách số, giúp mọi người dân, dù ở thành thị hay nông thôn, đều có cơ hội tiếp cận công nghệ số, không bị “bỏ lại phía sau” trong kỷ nguyên số. Đồng thời góp phần nâng cao kỹ năng số, hỗ trợ người dân sử dụng thành thạo các công cụ số như thanh toán điện tử, tra cứu thông tin trực tuyến, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Khi nhiều người dân hiểu và ứng dụng công nghệ, họ có thể tham gia các mô hình kinh doanh số, thương mại điện tử, giúp phát triển kinh tế cá nhân và địa phương; giúp thúc đẩy kinh tế số. Việc phổ cập kỹ năng số giúp chúng ta xây dựng một xã hội số, nơi mọi hoạt động từ hành chính, giáo dục đến y tế, giao tiếp đều có thể thực hiện dễ dàng trên nền tảng số.

Tuy nhiên, cũng có những thách thức cần quan tâm giải quyết. Đó là tâm lý e ngại công nghệ. Một bộ phận người dân, nhất là người lớn tuổi hoặc lao động phổ thông, có thể cảm thấy khó tiếp cận công nghệ. Đó là khó khăn về hạ tầng và kết nối. Ở vùng sâu, vùng xa, Internet và thiết bị công nghệ chưa đồng bộ, gây khó khăn trong việc triển khai. Đó là chất lượng đào tạo. Cho nên khi giảng dạy số “bình dân” cần đảm bảo nội dung dễ hiểu, thực tế và có hướng dẫn trực tiếp để người dân không chỉ học mà còn có thể áp dụng ngay.

Chính vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý rằng: Phải học thật, làm thật, không màu mè thì phong trào "bình dân học vụ số" mới thành công. Việc chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hay hình thức mà phải mang lại hiệu quả thực chất cho người dân và xã hội.

Nếu không “học thật, làm thật” sẽ rơi vào hình thức, đối phó, cốt làm cho có mà không đi vào thực tế, người dân sẽ không thực sự tiếp cận và áp dụng công nghệ số. Vì vậy cần đào tạo thực chất, giúp người dân biết cách sử dụng công nghệ số trong đời sống và công việc hàng ngày chứ không chỉ dừng lại ở việc nghe lý thuyết. Học và ứng dụng ngay trong thực tế, mang lại lợi ích thiết thực, áp dụng vào công việc và đời sống, như thanh toán điện tử, làm thủ tục hành chính online, kinh doanh trên nền tảng số... Khi thấy lợi ích thực tế, bà con ta sẽ tự nguyện tham gia, không cần ép buộc hay hô hào.

Cố nhiên, việc đào tạo chuyển đổi số cần đầu tư về con người, công nghệ và hạ tầng. Nếu chỉ làm theo phong trào mà không có hiệu quả thực sự, sẽ gây lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian. Phải đảm bảo rằng người học hiểu, người dạy có trách nhiệm, xã hội hưởng lợi.

Chuyển đổi số không chỉ là chuyện của chính phủ hay doanh nghiệp mà là của toàn dân. Muốn vậy, mọi người dân, cán bộ, công chức, người lao động đều phải học thực sự, làm thực sự, làm ngay từ lúc này. Đó chính là tinh thần của “Bình dân học vụ số”.

Hải Đường

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/binh-dan-hoc-vu-so-725645.html
Zalo