Billiards Việt Nam bất ngờ gặp họa

Thông báo do Liên đoàn billiards châu Á (ACBS) ban hành nhằm cấm mọi vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài Việt Nam tham dự các sự kiện do tổ chức này quản lý trong vòng 6 tháng như tiếng sét ập xuống làng billiards Việt những ngày qua

Không chỉ những ai liên quan đến các giải billiards pool và carom do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã và sắp cấp phép trong vòng 1 năm qua phải nhận án phạt, toàn bộ thành viên của Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) cũng bị "vạ lây", bao gồm cả dàn hảo thủ carom như Trần Quyết Chiến, Bao Phương Vinh, Chiêm Hồng Thái… cũng bị dọa tước quyền thi đấu quốc tế dù họ chẳng có chút liên quan gì.

Vì đâu nên nỗi?

Tháng 10-2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp phép tổ chức Hanoi Open Pool Championship 2023, sự kiện do Matchroom Pool và một công ty truyền thông lớn ở Việt Nam phối hợp thực hiện. Giải đấu được xem là trực thuộc hệ thống giải World Nineball Tour của Matchroom Pool với tiền thưởng lên tới 200.000 USD. Matchroom Pool nguyên là bộ phận truyền thông của Liên đoàn Pool thế giới (WPA) tách ra hoạt động riêng, đối chọi quyền lợi với chính WPA.

Giải đấu có sự tham gia của hàng trăm cơ thủ pool trong nước cũng như quốc tế và sau khi sự kiện này kết thúc, Liên đoàn Billiards thể thao châu Á (ACBS) đã ra thông báo cấm tất cả những cơ thủ này tham dự các giải đấu do tổ chức kể trên cấp phép.

Chuyện cũ chưa kịp lắng xuống thì gần đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục xem xét việc cấp phép tổ chức Hà Nội Open Pool Championship 2024 trực thuộc Matchroom Pool vào tháng 8 và một giải billiards carom mang tên PBA Hà Nội Tour vào tháng 10. Giải carom này do Hiệp hội Billiard chuyên nghiệp (PBA), một tổ chức đối chọi quyền lợi với UMB (Liên đoàn Billiards thế giới), đỡ đầu.

Xem đây là hành vi tái phạm với mức độ nghiêm trọng hơn, ACBS hôm 13-7 đã phát đi thông báo về việc cấm mọi thành viên của Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) tham gia thi đấu, điều hành các giải do ACBS tổ chức hoặc phối hợp tổ chức trong thời hạn 6 tháng, từ ngày 13-6-2024 đến 12-1-2025, bao gồm chương trình tranh tài các môn billiards pool, snooker hay carom trong khuôn khổ các sự kiện như Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIMAG) hay SEA Games.

Chồng chéo quản lý

Một ngày sau khi Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam phát đi thông cáo báo chí nói rõ về án phạt và các vụ việc dẫn đến án phạt của ACBS, sáng 31-7, Liên đoàn Billiards & Snooker Hà Nội (HBSF) gửi văn bản đến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định ACBS không có bất cứ cơ sở pháp lý nào, kể cả theo luật pháp Việt Nam hay theo các quy định quốc tế, để cấm các cơ thủ Việt Nam dự giải quốc tế thuộc OCA (Ủy ban Olympic châu Á) hay SEA Games.

Billiards Việt Nam đối mặt thách thức trên hành trình phát triển (Ảnh: PHONG LÊ)

Billiards Việt Nam đối mặt thách thức trên hành trình phát triển (Ảnh: PHONG LÊ)

Theo HBSF, ACBS chỉ có thể cấm các liên đoàn thành viên tổ chức các giải không được họ cấp phép. Trong khi đó, chỉ có Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) là thành viên của ACBS, còn HBSF lại không phải thành viên của ACBS. Hà Nội Open Pool Championship 2024 hay PBA Hà Nội Tour 2024 do HBSF tổ chức theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, được UBND TP Hà Nội cấp phép theo luật định (điều 9 Thông tư 09/2012/TT-BVHTTDL nói rõ về "Giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế" có sự tham dự của các VĐV là người nước ngoài do cơ quan, tổ chức Việt Nam mời và Luật Thể dục Thể thao sửa đổi bổ sung năm 2018, quy định ở khoản 5 về việc "UBND các cấp quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng tại địa phương mình").

Từ đầu năm 2024, Trung Quốc và Philippines đều đứng ra tổ chức những giải đấu thuộc Matchroom Pool nhưng không thấy ACBS trừng phạt các liên đoàn quốc gia này. Hàn Quốc tổ chức PBA từ năm 2019 tới nay nhưng các cơ thủ nước này vẫn được thi đấu tại những giải của UMB. Mới nhất là giải Rasson Lushan Open vừa diễn ra tại Trung Quốc từ ngày 26 đến 28-7 nhưng ACBS không tỏ thái độ gì. ACBS cũng im lặng đối với Philippines cho dù nước này sắp tổ chức Reyes Cup vào tháng 10 năm nay.

Vì sao cùng tổ chức các giải billiards quốc tế không trực thuộc các liên đoàn chính thống như Việt Nam nhưng Philipines, Trung Quốc, Hàn Quốc… vẫn chẳng hề nghe ACBS cảnh báo hay đòi kỷ luật gì? Vì sao trong thời gian lệnh cấm đối với Việt Nam của ACBS đã có hiệu lực nhưng nữ cơ thủ Phùng Kiện Tường và nhà vô địch thế giới Bao Phương Vinh vẫn đến Ba Lan tham dự Giải billiards WCBS Championship 2024, cùng được nhận huy chương cùng với ê-kip châu Á?

Phải chăng ACBS cho rằng Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam vốn rất tuân thủ các quy định quốc tế nên dễ dàng "ép" xuống một bản án mà theo nhiều người là "tước luôn sự tự do và quyền kiếm sống hợp pháp thông qua môn thể thao của rất nhiều vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài"?

Taekwondo Việt Nam từng phải đưa ra quyết định chọn WTF thay vì ITF hồi thập niên 80 của thế kỷ trước. Tương tự, thể hình Việt Nam đã "ly khai" khỏi IFBB để đi theo con đường của WBPSF hồi năm 2009. Billiards Việt Nam chưa đến mức phải đi đến sự chọn lựa quyết liệt như thế trên hành trình đi tới nhưng nếu cứ bị chèn ép, mọi việc sẽ đi đâu về đâu khi phong trào billiards Việt Nam đang phát triển rất mạnh?

(Còn tiếp)

ĐÔNG LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/billiards-viet-nam-bat-ngo-gap-hoa-196240731203900662.htm
Zalo