Big-Trends: Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ được ưu tiên hơn

Cảm giác thất vọng đang tăng lên đối với nhiều nhà đầu tư khi chứng kiến tuần giao dịch vừa qua. Cảm xúc lên đến đỉnh điểm có lẽ chính là phiên thứ Năm tăng điểm đầu phiên và sau đó giảm mạnh từ khu vực 1.260 điểm về 1.226 điểm.

Cho dù phiên giao dịch ngày thứ Sáu tăng tốt trở lại với khả năng xác nhận khu vực đáy 2 tại mốc 1.220 điểm nhưng ít nhà đầu tư có thể tin tưởng rằng một xu thế tăng điểm chỉ cách đây vài tháng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đã quay sang việc hy vọng thị trường sẽ không giảm sâu và đâu đó sẽ điều chỉnh tạo đáy kép từ khu vực 1.200 – 1.220 điểm đổ lên.

Sự bi quan về xu hướng của thị trường ngày càng gia tăng. Nhiều nhận định tiêu cực đang cho rằng VN-Index sẽ phải điều chỉnh về khu vực 1.160 – 1.170 điểm hoặc thậm chí 1.100 điểm.

Kịch bản này đang được củng cố bởi diễn biến TTCK thế giới tuần qua, đặc biệt là phiên giao dịch cuối tuần khi nhiều chỉ số chứng khoán thế giới lao dốc. Từ chỉ số DJ, S&p 500 cho đến các thị trường châu Á, đặc biệt chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) đã ghi nhận một phiên giảm điểm mạnh khi số liệu việc làm Mỹ đáng thất vọng, mối lo suy thoái lại gia tăng.

Nhưng điều khiến cho TTCK Việt Nam hiện nay tạm yên tâm đó là triển vọng kinh tế vĩ mô, sự ổn định chính trị đã có tín hiệu lạc quan hơn và đặc biệt diễn biến tạo đáy bật hồi mạnh (tạm thời) ở khu vực 1.220 –1.230 điểm của thị trường trong phiên cuối tuần.

Nếu các chuyên gia tài chính thế giới lo ngại về triển vọng kinh tế, thậm chí có thể đánh giá FED cần phải hạ lãi suất sớm hơn hoặc một số quan điểm cho rằng TTCK toàn cầu đang định giá ở mức cao thì điều này cũng không phải hoàn toàn đúng với TTCK Việt Nam.

VN-Index vẫn chưa quay trở lại mốc đỉnh cũ 1.400 – 1.500 điểm và vẫn đứng quanh mốc điểm 1.220 – 1.250 điểm trong nhiều năm trong khi quy mô TTCK đã tăng nhiều trong 3 – 4 năm trở lại đây.

TTCK vẫn còn nhiều cổ phiếu định giá thấp so với tiềm năng cũng như mức thực tế - hệ quả, nghịch lý thay nếu mà TTCK điều chỉnh thì các cổ phiếu tốt hay xấu, định giá cao hay thấp vẫn sẽ chịu áp lực điều chỉnh lớn. Các nhà đầu tư trong lúc “hoang mang” cũng có thể muốn bán cổ phiếu ra bằng mọi giá và không muốn chứng kiến danh mục giảm.

Qua nhiều năm thăng trầm của thị trường chứng khoán toàn cầu và kể cả toàn bộ giai đoạn phát triển của TTCK Việt Nam 24 năm qua, thậm chí cả trường hợp bi quan nhất, TTCK có điều chỉnh cũng chỉ về một vùng điểm nào đó và sau đó lại quay đầu tăng trở lại. Quá trình điều chỉnh có thể kéo dài từ một vài tháng cho đến 1 – 1,5 năm cũng là lâu nhất trước khi TTCK quay trở lại một chu kỳ hồi phục tích cực hơn.

TTCK hiện nay vẫn chưa phải là quá lo lắng – sự thận trọng là cần thiết và thời điểm giao dịch tích cực vẫn chưa đến. Nếu bối cảnh vĩ mô, diễn biến thị trường chung chưa ủng hộ thì việc cần làm đó là ưu tiên việc kiểm soát tỷ trọng cổ phiếu hoặc giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp trong danh mục.

VN-Index có thể sẽ xác nhận đáy kép khu vực 1.200 – 1.220 điểm và vẫn sẽ hồi phục tích lũy dần về khu vực 1.250 – 1.260 điểm giai đoạn tới. Kỳ vọng vào 1 số cổ phiếu lớn, một số nhóm ngành giao dịch sôi động hơn giai đoạn tới để giúp thị trường cân bằng hơn tại mốc 1.250 điểm trước khi hồi phục dần trở lại giai đoạn cuối quý III và quý IV.

Một khi thị trường chưa thực sự xác nhận đáy, tâm lý thị trường chưa thực sự cải thiện thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ được ưu tiên hơn. Các cổ phiếu giữ giá hoặc là mục tiêu mua gom tích sản sẽ là tâm điểm của thị trường trong giai đoạn tháng 8.

Big-Trends

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/big-trends-nhom-co-phieu-von-hoa-lon-se-duoc-uu-tien-hon-post350816.html
Zalo