Big-Trends: Cơ hội đầu tư từ 'Hiệu ứng tháng Giêng'
Một pha điều chỉnh sau cuộc họp giảm lãi suất của FED dường như đã kết thúc. Chứng khoán Việt sau một số phiên chao đảo một lần nữa điều chỉnh và tạm đứng trên khu vực hỗ trợ 1.250 – 1.255 điểm và khả năng hướng lên khu vực 1.270 – 1.280 điểm ở tuần giao dịch cuối cùng tháng 12.
Thông điệp của chủ tịch FED sau đợt giảm lãi suất tuần qua đã rõ – chính sách nới lỏng sẽ chậm lại và có thể rút ngắn xuống 2 đợt điều chỉnh trong năm 2025.
Chỉ số đô la DXY index tăng cao nhất trong 2 năm trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng hạ nới rộng khoảng cách USD – VND, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ giá giai đoạn cuối năm. Bán ngoại tệ hoặc thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường mở có thể là giải pháp ngắn hạn tạm thời chủ động đối phó với tình hình biến động bất ngờ.
Nhà đầu tư cũng có những lý do “hợp lý” để lo lắng về diễn biến kinh tế vĩ mô ngắn hạn nhưng vẫn nên tự tin hơn về triển vọng thị trường ở giai đoạn cuối năm và đầu năm 2025.
Các tổ chức quốc tế đang dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam dao động từ mức 6,5 – 7,0. HSBC, IMF rồi cả các đơn vị chuyên môn trong nước cũng đưa ra nhận định khả quan của một năm 2025 dễ thở hơn 2024. Nhiều yếu tố hỗ trợ, động lực cho đà hồi phục của TTCK trong năm mới với kỳ vọng bứt phá vượt hơn mức tăng 10 – 12% trong cả năm 2024.
Các nhà đầu tư đã cảm thấy có những điểm tích cực và danh mục đầu tư đã có lãi trở lại ở nhiều cơ hội giải ngân và nắm giữ giai đoạn vừa qua. Không chỉ các cổ phiếu lớn cổ phiếu hàng đầu nhóm ngành tài chính, công nghệ viễn thông, hóa chất, thép, cảng biển, vận tải biển đã có mức phục hồi từ khá cho đến tốt hoặc có những cổ phiếu tăng giá ấn tượng có thể kể đến các cổ phiếu như FPT, HAH, MSH, CSV, TTN, YEG, BSR, PHP…
Dòng tiền đầu tư vẫn đang gia tăng ở các cổ phiếu vừa và nhỏ cho dù chưa thực sự mạnh mẽ và quyết liệt ở trên các nhóm cổ phiếu lớn.
Giai đoạn cuối cùng trong năm vẫn sẽ là hoạt động tái cấu trúc danh mục của các quỹ đầu tư, giai đoạn chốt NAV cuối năm của các quỹ giao dịch theo chỉ số và chắc chắc số liệu mua bán ròng của khối ngoại cũng sẽ kết thúc với một năm bán ròng kỷ lục – đánh dấu năm giao dịch nghiêng về bên bán của các nhà đầu tư tổ chức.
Dòng tiền giao dịch chỉ có thể được kỳ vọng ở năm 2025 khi mà sự ổn định chính trị, cơ cấu tổ chức các bộ ban ngành, hoạt động đẩy mạnh nâng hạng thị trường và những con số tăng trưởng FDI, xuất nhập khẩu, hoạt động chế biến chế tạo, logistics… đã và đang khiến Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực và trên thế giới. Kỳ vọng một năm với nhiều kịch bản khả quan hơn.
Xu hướng thị trường có thể sẽ thuận lợi từ nay cho đến tháng 1 khi “hiệu ứng tháng giêng” mang lại cho các nhà đầu tư nhiều cơ hội đầu tư ở nhiều cổ phiếu tăng trưởng, cổ phiếu đầu tư giá trị, các cổ phiếu mang tính chu kỳ vốn hóa cận bluechips hoặc vốn hóa trung bình (midcap).
Có thể nhiều cổ phiếu sẽ tăng khá hoặc rất mạnh so với thị trường chung và cả các cổ phiếu trong cùng ngành. Giai đoạn tới là giai đoạn cần sự tập trung cho không chỉ hoạt động mua mới, giao dịch lớn ở các cơ hội tiềm năng cao mà cả hoạt động cơ cấu danh mục.
Chỉ việc tái cơ cấu danh mục tốt thì việc tái đầu tư để hy vọng có sự hiệu quả hơn. Các hoạt động đầu tư dàn trải sẽ nhường cho hoạt động đầu tư tập trung kỷ luật cho năm 2025 khởi sắc.