Biểu tượng sống cuối cùng của Bưu điện Sài Gòn
Cụ Dương Văn Ngộ - người viết thư thuê cuối cùng của Bưu điện trung tâm Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh đã từ giã cõi tạm ở tuổi 94. Thành phố mất đi một biểu tượng, một chứng nhân giữ lại bao câu chuyện thăng trầm, thi vị của thành phố qua từng cánh thư xuyên biên giới. Những cánh thư tỉ mẩn, chuyên chở biết bao yêu thương mà cụ trọn một đời làm sứ giả.
“Người kết nối thế giới bằng cây bút mực” - đó là cách nhà báo người Đức Fiona Ehlers gọi ông Dương Văn Ngộ trong một bài viết đăng trên tạp chí nổi tiếng Der Spiegel năm 2007.Đó là bài báo nước ngoài đầu tiên viết về người đàn ông đặc biệt này. Nhận được báo biếu từ nước Đức xa xôi, ông Ngộ vui lắm. Từ bài báo đó, các nhà báo nước ngoài liên tục ghé thăm và phỏng vấn ông. Nổi tiếng khắp năm châu nhưng ông cười khiêm nhường: “Mình chẳng ham nổi tiếng. Nhưng vui, vì mỗi lần phỏng vấn, tôi có dịp quảng bá nét đẹp văn hóa, con người, đất nước Việt Nam cho bạn bè quốc tế biết đến”.
Ông Dương Văn Ngộ sinh năm 1930 tại Sài Gòn. Mới 16 tuổi, ông đã gắn bó với ngành bưu chính. Sáu năm sau, từ Bưu điện Thị Nghè chuyển sang Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, ông trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau. Năm 1990, dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng phần vì nhớ nghề, phần được mọi người yêu mến vì sự cần cù, mẫu mực trong hơn 40 năm làm việc, ông được lãnh đạo Bưu điện bố trí một góc nhỏ để viết thư thuê cho ai có nhu cầu. Nhóm viết thư thuê của ông ngày ấy có bảy người. Ông Ngộ là người trẻ nhất. Ông thông thạo cả ba thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức. Đồng nghiệp tiền bối dần ra đi, dần dần chỉ còn mình ông viết thư thuê chuyên nghiệp, trở thành một nét văn hóa đặc sắc của đất Sài Thành.
Ông làm việc theo giờ hành chính. Bảy giờ sáng, người ta lại thấy một ông cụ gầy gò, tóc bạc phơ, áo sơ mi chỉnh tề, lọc cọc đạp chiếc xe cà tàng từ chân cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh lên Bưu điện thành phố. Trước giỏ xe là chiếc túi da cũ kỹ, vá víu nhiều chỗ nhưng rất nghiêm ngắn. Chiếc túi cùng chủ nhân bước qua hai thế kỷ chứa gần 20kg “đồ nghề”: từ điển Anh-Pháp-Việt, mã thư tín các nước, kính lúp, hộp bút…
Bưu điện trung tâm tấp nập khách trong và ngoài nước đến gửi bưu phẩm và tham quan. Giữa không gian ồn ã náo nhiệt ấy, góc nhỏ của người mà Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập “Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam” vẫn tĩnh lặng, chỉ có nét bút chậm rãi trên trang giấy. Ông cụ tóc bạc phơ ngồi cặm cụi bên chiếc bàn gỗ treo tấm bảng “Nơi chỉ dẫn và viết thuê” bằng song ngữ Việt - Anh. Không gian nhỏ bé ấy chất chứa bao hoài niệm. Mỗi khi có khách, ông đứng dậy chào hỏi lịch lãm rồi bắt đầu công việc. Hễ gặp từ nào khó hay muốn tìm nghĩa cho thật chính xác, ông lấy kính lúp lần giở cuốn từ điển ố vàng, sờn gáy, chi chít nét mực chú thích.
Từ chiếc bàn gỗ này, hàng trăm ngàn bức thư đã tỏa đi khắp thế giới, mang theo bao buồn vui, hạnh phúc, khổ đau... của đời người. Có người nhờ ông viết thư cho chuyện kinh doanh, kiếm hợp đồng. Có người thăm hỏi gia đình, bạn bè, người yêu… ở nước ngoài hoặc tìm người thân ly tán, thất lạc trong chiến tranh. Cũng có người nhờ ông viết thư để… đốt cho người cõi dưới, có người nhờ ông viết mấy dòng than nghèo kể khổ để vòi tiền người thân ở nước ngoài. Tất thảy chuyện cười ra nước mắt ấy, theo lương tâm, có cái ông viết, có cái không. Tiền bạc thì tùy tâm, sinh viên nghèo hay những người khốn khó, ông sẵn lòng viết giúp… Gần một nửa là thư tình. Nhưng hễ ai xin ông kể chi tiết nội dung thư thì ông vội xua tay: “Đó là bí mật thư tín, chuyện đời tư của người ta không thể tiết lộ được. Tôi viết xong là ráng quên ngay nội dung mình viết”. Dẫu không tiết lộ nội dung thư nhưng có những câu chuyện cảm động làm ông nhớ mãi. Đó là chuyện tình của cô gái người Việt với anh chàng người Pháp. Cả hai không nói được ngôn ngữ của nửa kia, nhưng ánh mắt, nụ cười đã cho họ biết trái tim mình lỗi nhịp. Cô gái tìm đến ông ấp úng chẳng biết viết sao thành lời, cứ nằng nặc nhờ ông viết hộ. Ông bảo: “Cháu cứ viết những gì muốn nói bằng tiếng Việt. Rồi bác dịch giùm cho. Chứ làm sao bác bịa được. Tình cảm quan trọng là sự chân thành”. Cô gái mạnh dạn cầm cây bút. Nhờ những cánh thư, họ nên duyên vợ chồng. Một cặp vợ chồng Pháp sang Việt Nam tìm lại địa chỉ ngôi nhà cũ mà cha mẹ họ từng ở từ năm 1956 đến 1958. Nhờ ông Ngộ, họ tìm được chốn xưa chỉ với vài dòng mô tả. Trong lời kết thư cảm ơn, đôi vợ chồng viết: “Ông chính là một hình tượng đặc trưng của lòng tử tế và sự thánh thiện của người Việt Nam”.
Mắt mờ, tay run, ông không dám nhận thư về nhà viết như trước. Khách nào năn nỉ quá thì ông từ tốn giải thích: “Tôi mong anh chị thông cảm vì biết đâu ngày mai, ngày kia tôi nhắm mắt xuôi tay thì có phải tôi thất hẹn với anh chị không?”. Hàng trăm lá thư khách không đến nhận, ông cất giữ cẩn thận và luôn mang theo trong chiếc cặp da. Hỏi sao không bỏ đi, ông trầm ngâm: “Biết đâu người ta quay lại, mình không có mà đưa thì kỳ lắm”.
Là khách hàng lâu năm của ông Ngộ, anh Nguyễn Bá Long (ngụ ở TP Vũng Tàu) cho biết: “Dù các trung tâm dịch thuật mở ra nhiều nhưng tôi hay lặn lội lên đây nhờ bác Ngộ dịch. Bác dịch tôi yên tâm lắm vì bác truyền tải đúng điều tôi muốn nói, câu cú rất chuẩn và có hồn”.
Cơ quan tôi nằm ở gần Bưu điện trung tâm Sài Gòn. Mỗi lần gửi bưu phẩm hay đi ngang qua đây ngắm dòng người đủ màu da, quốc tịch, tôi lại ghé góc bàn quen thuộc xem ông làm việc. Lúc rảnh rỗi, hai bác cháu lại hoài niệm đủ chuyện về Sài Gòn xưa. Cuộc nói chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng khi rất nhiều khách nước ngoài đến bắt chuyện và xin chụp hình với ông cụ.
Một lần, có anh chàng hướng dẫn viên dẫn một đoàn khách Pháp đến chào ông. Nữ du khách đứng tuổi vô cùng hạnh phúc khi được gặp biểu tượng nổi tiếng của Bưu điện thành phố và hỏi tại sao ông gắn bó với công việc viết thư thuê này. Chàng hướng dẫn viên chưa kịp dịch sang tiếng Việt thì ông cụ đã “xả” luôn một tràng tiếng Pháp khiến cả đoàn du khách ồ lên kinh ngạc. Họ ôm chầm ông cụ, khen ông nói tiếng Pháp lịch lãm và chuẩn như dân Paris.
Khách đến với ông ngày càng thưa vắng. Công nghệ hiện đại với thư điện tử, cuộc gọi qua ứng dụng messenger, zalo, … khiến những vị khách cũ năm nào chỉ còn là cố nhân. Cụ Ngộ chẳng lấy làm buồn. Bởi ông biết, mình là người cuối cùng của thời văn hóa hậu thuộc địa. Ông cũng biết mình vẫn còn “những người muôn năm cũ” - những người yêu con chữ nghiêng nghiêng gửi gắm bao tâm tư của người viết mà công nghệ không thể nào làm được. Có ông khách năm nào cũng đến nhờ ông viết thư chúc Tết con trai ở Anh. Bẵng đi một năm không thấy ông khách xuất hiện. Năm sau, ông sà vào chỗ cụ Ngộ mà phân bua: “Năm trước thằng cháu lập cho cái email, biểu ngoại thử gửi thư cho cậu qua đó. Tui làm thử mà thấy cứ kỳ kỳ, vô hồn. Thằng con nhận được thư cũng biểu vậy, nó chẳng thấy “tình thương mến thương” bằng đọc thư tay của ba. Năm nay, tui lại ghé Bưu điện nhờ bác viết cho đôi dòng”.
Cuối năm 2020, chạm ngưỡng 91 tuổi, ông mới chính thức từ giã góc bàn quen thuộc. Lời giã từ cũng bất đắc dĩ khi đôi chân ông đã không thể bước lên từng bậc thang Bưu điện, khi đôi mắt mờ đục và cái tai nghễnh ngãng tiếng được tiếng mất. Ngồi bó gối ở nhà, chao ôi ông nhớ. Nhớ cây bút, nét mực, nhớ nụ cười, giọng nói từng vị khách. Cái nghề đã ăn vào máu thịt ông, là hơi thở để ông biết mình còn có ích giữa đời. Dù như ngọn đèn sắp tắt, ông vẫn nài nỉ con cháu chở mình ghé thăm bưu điện. Ghé chỉ để ngồi vào góc xưa một lúc, và để bồi hồi...
Bưu điện trung tâm Sài Gòn là cột mốc km số 0 của TP Hồ Chí Minh.Gần 70 năm gắn bó với nơi đây, trải qua bao thăng trầm thời cuộc, ông Ngộ có khác gì dấu mốc số 0, làm cái mỏ neo giữ lại bao vui buồn, lắng đọng của đô thị hối hả để tự hào chia sẻ với khách năm châu. Dưới mái vòm bưu điện cổ kính vào một ngày mưa, nhìn góc bàn sờn cũ trống trải vắng bóng ông, sao lòng mãi nhớ tiếc, hoài vọng xa xôi?