Biểu tượng mới của tình hữu nghị Việt - Nga
Lễ khánh thành tượng đài Vladimir Lenin gần đây diễn ra trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành tại thành phố Saint Petersburg. Hai công trình trở thành biểu tượng mới của tình hữu nghị Việt - Nga qua thời gian.
Lễ khánh thành tượng đài Vladimir Lenin diễn ra vào giữa tháng 4 vừa qua, trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành biểu tượng tình cảm tốt đẹp mà chính quyền và người dân tỉnh Ulyanovsk của Nga trao tặng cho chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An.
Phó Chủ tịch tỉnh Ulyanovsk Oleg Kabanov cho biết, vùng Ulyanovsk và Việt Nam có quan hệ hữu nghị và đối tác bền chặt trong nhiều thập kỷ. Người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Ulyanovsk gần 40 năm qua, và hiện nay có hơn 200 gia đình Việt Nam sinh sống ở đó.
Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko khẳng định, tượng đài là một biểu tượng mới của tình hữu nghị và hợp tác không chỉ giữa vùng Ulyanovsk và tỉnh Nghệ An mà còn giữa nhân dân hai nước nói chung, như một lời nhắc nhở về những lý tưởng cao đẹp của V.I. Lenin và Bác Hồ, những lý tưởng vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.
Trước đó, tháng 6/2023, bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành tại thành phố Saint Petersburg, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đến Petrograd (nay là Saint Petersburg). Hai công trình trở thành biểu tượng mới của tình hữu nghị Việt-Nga qua thời gian.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và Nga ngày nay không ngừng được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước củng cố, vun đắp. Tình cảm đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô trước đây, cũng như Nga hiện nay, đã trở thành một biểu tượng của sự đoàn kết, tình hữu nghị quốc tế. Qua nhiều thế hệ, hai bên chia sẻ với nhau không chỉ những thách thức, khó khăn mà cả những khoảnh khắc vinh quang, hạnh phúc, thấm đượm tình cảm sâu sắc giữa nhân dân hai nước.
Ngày 3/6, sự kiện mang tên Ngày Việt Nam được tổ chức hoành tráng tại Đại học Kinh tế Nga (REU), để sinh viên của trường được trải nghiệm nền văn hóa, ẩm thực phong phú, đa dạng của Việt Nam, chiêm ngưỡng triển lãm nghệ thuật Việt Nam, chơi trò chơi dân gian và tham gia các câu đố về lịch sử, truyền thống của quốc gia phương Đông. Sinh viên REU còn được lắng nghe những chia sẻ ấm áp và đầy hoài niệm của bác Hoàng Lâm, sinh viên tốt nghiệp trường năm 1989.
Ông Nguyễn Đăng Phát, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga, khẳng định, quan hệ Việt-Nga, với nền tảng trước đây là quan hệ Việt-Xô, là tình cảm “nặng nghĩa nặng tình”. Nhiều công trình mang dấu ấn hữu nghị Việt-Xô như thủy điện Hòa Bình, thủy điện Trị An, cầu Thăng Long…
Vào giai đoạn Việt Nam chưa có nhiều cơ hội cử người đi học tập ở nước ngoài, Liên Xô tiếp nhận và đào tạo gần 40.000 cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, với hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Nga. Lưu học sinh Việt Nam đều có tình cảm đặc biệt với nước Nga, người dân Nga trong thời gian học tập ở đó và đến tận bây giờ. Họ không chỉ yêu mến thiên nhiên, đất nước, con người mà yêu cả văn hóa Nga, nhất là văn học, âm nhạc…
Ngày 6/6 vừa qua diễn ra lễ dâng hoa tại tượng đài đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin ở Công viên Hòa Bình, Hà Nội, nhân kỷ niệm 225 năm ngày sinh của nhà thơ. Bất chấp mưa gió, các cán bộ Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, thầy cô giáo nhiều trường trung học và đại học Việt Nam, thành viên nhóm nhạc Bạch dương, học sinh, sinh viên Nga và Việt Nam, các nhà nghiên cứu nổi tiếng về Pushkin và nhiều dịch giả đã tề tựu tại công viên.
Dưới chân tượng đài, theo truyền thống lâu đời của Nga, những dòng thơ của Pushkin vang lên. Với tình yêu và nhiệt huyết, những người tham gia buổi lễ thể hiện những bài thơ Pushkin yêu thích của mình, như Tượng đài, Anh yêu em, Gửi nhũ mẫu, Đừng hát bên anh nữa, Người đẹp ơi, Buổi sáng mùa đông, D.V. Davydov, Thư Tatiana gửi Onegin… bằng tiếng Nga và tiếng Việt.
Hoạt động mới
Ông Phát cho biết, trong bối cảnh thế hệ người trẻ Việt Nam không biết nhiều về Nga như thế hệ đã lớn tuổi, Hội Hữu nghị Việt-Nga và Hội Hữu nghị Nga-Việt đang tổ chức nhiều hoạt động để thu hút giới trẻ. Cuộc thi vẽ tranh “Em vẽ nước Nga, em vẽ Việt Nam” đã được tổ chức 8 lần. Năm 2023, cuộc thi thu hút số lượng kỷ lục người tham gia, với 17.000 học sinh khắp cả nước gửi tranh về tham dự.
Ông cũng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Nga gồm 95 thành viên, trong đó có một số lãnh đạo doanh nghiệp. Hội đã đề xuất thành lập trung tâm xúc tiến thương mại Việt-Nga, bởi Hội Hữu nghị Nga-Việt phía bạn đã có trung tâm kinh doanh. Ngoài Bộ Công Thương, hai đầu mối này sẽ giúp tìm hiểu nhu cầu, cơ hội hợp tác của hai bên. Một số địa phương của Nga đang có nhu cầu hợp tác với địa phương Việt Nam, vì vậy ông Phát hy vọng sẽ sớm thấy kết quả.
Ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), cho biết, các tổ chức thuộc VUFO đã và đang phối hợp các tổ chức của Nga giới thiệu nhiều đoàn sang làm việc, tìm hiểu, mở rộng, tăng cường hợp tác trên kênh doanh nghiệp. Về hợp tác giáo dục, Trung tâm Văn hóa Nga tại Việt Nam đang tổ chức nhiều hoạt động. Hằng năm, Trung tâm cung cấp 1.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam sang Nga học tập. Ngoài ra còn có nhiều trường triển khai hoạt động hợp tác riêng. Gần đây, Hội Hữu nghị Việt-Nga ký thỏa thuận hợp tác với một trường đại học của Nga để phát triển các chương trình giảng dạy tiếng Nga ở các trường đại học Việt Nam.
Ông Sơn tiết lộ sẽ có một hoạt động mới trong năm 2025. Nhân kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, VUFO sẽ cùng các đối tác Nga tổ chức Diễn đàn Nhân dân Việt Nam-Liên bang Nga lần đầu tiên. Hai bên đang trong quá trình chuẩn bị, kỳ vọng diễn đàn sẽ kéo theo các hoạt động xúc tiến doanh nghiệp, trao đổi học thuật…