Biệt thự 100 năm tuổi ở Đồng Nai: 'Nên phá hay giữ lại?'

Phương án lựa chọn phá bỏ căn biệt thự 100 năm tuổi bên bờ sông Đồng Nai khiến bạn đọc xôn xao.

Pháp Luật TP.HCM vừa có bài viết: Ngắm ngôi biệt thự 100 năm tuổi có nguy cơ bị phá bỏ bên sông Đồng Nai” và Đề nghị nghiên cứu phương án bảo tồn ngôi biệt thự cổ 100 năm bên sông Đồng Nai. Các bài viết có thông tin căn biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh (còn gọi là nhà lầu ông Phủ) nằm tại phường Bửu Long (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có thể phải phá bỏ để thực hiện dự án làm đường ven sông.

Điều này đang gây nên dư luận trái chiều từ phía bạn đọc. Một số ý kiến cho rằng việc phá bỏ căn biệt thự để làm đường ven sông là hoàn toàn hợp lý, tạo điều kiện phát triển giao thông. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng nên giữ lại căn biệt thự cổ để trở thành một điểm đến về văn hóa, du lịch. Sau đây là ý kiến của bạn đọc về thông tin này:

Nên giữ lại căn biệt thự để bảo tồn giá trị lịch sử

“Tôi đồng tình với phương án Nhà nước thỏa thuận bồi thường mua lại căn biệt thự và trùng tu, còn đường thì nên nắn về phía sông để né. Đoạn đường cong này chính là điểm nhấn để tạo nét độc đáo giữa hiện đại kết hợp với giá trị cổ xưa, đồng thời là một biểu tượng giáo dục các thế hệ mai sau biết trân trọng và giữ gìn giá trị lịch sử”, bạn đọc Phú Sang bày tỏ.

“Người Pháp họ đang đi tìm những căn nhà họ thiết kế, thi công hàng trăm năm qua để gửi thư thông báo đến hạn bảo trì và đề nghị trùng tu. Trong khi chúng ta lại muốn đập bỏ, như vậy là quá lãng phí . Nếu phá bỏ hết những căn nhà cổ thì thế hệ sau sẽ không còn thấy các tòa nhà như Dinh Bảo Đại, Dinh Gia Long, nhà Công tử Bạc Liêu... Theo tôi phát triển phải đi đôi với bảo tồn, đừng lấy đi hết những quá khứ và tinh hoa kiến trúc của tiền nhân” bạn đọc Gia Hưng phân tích.

Bạn đọc Minh Nguyễn thì chia sẻ: “Căn biệt thự cổ này không những mang giá trị về mặt kiến trúc, giao thoa giữa 2 nền văn hóa Đông Tây, nó còn là bằng chứng về một giai đoạn lịch sử phát triển của Biên Hòa - Gia Định. Hơn nữa, nếu không gìn giữ những công trình trăm tuổi như căn biệt thự cổ này thì lấy đâu ra những công trình có tuổi đời đến hàng ngàn năm trên thế giới?”

Bạn đọc Nhật Hoàng phản đối: “Tôi không đồng tình với phương án phá bỏ căn biệt thì này. Không những không nên phá bỏ mà chúng ta phải trùng tu căn nhà để trở thành điểm nhấn cho tuyến đường. Con đường ven sông không nhất thiết phải thẳng tắp. Khúc cong chỗ căn biệt thự có thể là điểm dừng chân thú vị cho du khách, đó là một hướng phát triển du lịch cho địa phương”.

 Ngôi biệt thự này được xây dựng vào năm 1924, đến nay đã tròn 100 năm tuổi. Ảnh: VŨ HỘI.

Ngôi biệt thự này được xây dựng vào năm 1924, đến nay đã tròn 100 năm tuổi. Ảnh: VŨ HỘI.

Giữ lại rồi sao nữa?

"Câu hỏi cần đặt ra là "Giữ lại căn biệt thự để làm gì?". Nếu giữ lại rồi bỏ hoang thì quá lãng phí, nếu không có những dịch vụ khác đi kèm liệu có bao nhiêu người đến đây chỉ để thăm ngôi nhà?”, bạn đọc Ngọc Minh thắc mắc.

“Chúng ta cần có góc nhìn khách quan, thấu đáo. Lịch sử là quá trình phát triển của dân tộc. Cái gì giữ được thì nên giữ, nhất là các công trình kiến trúc, vì nó chính là hiện thân lịch sử cho sự phát triển của dân tộc và nhân loại. Tuy nhiên, gìn giữ phải đi đôi với bảo dưỡng, trùng tu, nếu không đảm bảo được điều này thì nên bỏ đi để phát triển cái khác”, bạn đọc Nguyên Hà bộc bạch.

Bạn đọc Vũ Tuấn thì góp ý "Không có gì là tồn tại mãi được! Nếu chúng ta cố duy trì một căn nhà đã quá cũ, không mang tính lịch sử thì chi phí bảo dưỡng rất nhiều, hiệu quả sử dụng không cao. Nên chăng chúng ta chỉ giữ lại những công trình có tính lịch sử, văn hóa lâu đời".

Ngoài các ý kiến trên, bạn đọc Võ Minh hiến kế các phương án có thể vẫn làm đường đảm bảo lưu thông, đồng thời giữ lại căn biệt thự. Đầu tiên là làm hầm chui, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị mà vẫn giữ lại căn biệt thự để làm điểm nhấn; vấn đề là cần tính toán tương quan giữa chi phí và gìn giữ văn hóa. Thứ hai, bồi thêm đất ven sông để mở rộng làm đường cong hay vòng xoay tại đây tạo điểm nhấn. Tuy nhiên với cách này thì dễ làm thay đổi dòng chảy, nguy cơ sạt lở cao, do đó cần làm bờ kè. Thứ ba, chúng ta có thể nhờ đơn vị có uy tín dời nhà vào trong. Ngoài ra, có thể tính đến phương án làm cầu vượt, tuy nhiên không đẹp và chi phí cao.

Dự án Đầu tư xây dựng kè, đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An) đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) dài 5,2 km với tổng kinh phí cho toàn dự án gần 2.000 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, đường ven sông Đồng Nai sẽ có diện mạo đô thị ven sông thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội TP Biên Hòa, là địa điểm vui chơi, dạo mát với người dân địa phương và du khách.

Tuy nhiên, căn Biệt thự cổ lại nằm trong dự án đường ven sông Đồng Nai và có thể bị phá bỏ để có mặt bằng thực hiện dự án đường ven sông.

SONG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/biet-thu-100-nam-tuoi-o-dong-nai-nen-pha-hay-giu-lai-post811736.html
Zalo