Biết là cấm nhưng nhiều GV Tiểu học Trưng Trắc vẫn dạy thêm cho học sinh
Quy định cấm giáo viên tiểu học dạy thêm đã có từ lâu, nhưng đã hai năm nay, giáo viên của Trường tiểu học Trưng Trắc vẫn dạy thêm tại địa điểm gần trường.
Một số giáo viên Tiểu học Trưng Trắc dạy thêm cho nhiều học sinh chính khóa
Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 16/5/2012 đã có quy định rất rõ về các nội dung có liên quan đến dạy thêm, học thêm.
Theo đó, giáo viên không được dạy thêm đối với các học sinh đã được nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với các học sinh chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng đơn vị quản lý giáo viên đó…
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, bạn đọc cung cấp thông tin cho Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam biết, nằm trên địa bàn đường Trần Văn Hoàng thuộc khu phố 6, phường 9 – Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh có một địa điểm được một số giáo viên của Trường tiểu học Trưng Trắc, Quận 11 thuê địa điểm dạy thêm nhiều ngày trong tuần.
“Cứ trong khoảng thời gian từ sau 16h15 cho đến khoảng 18h30 vào các ngày trong tuần (trừ cuối tuần), người dân mệt mỏi vì khung cảnh đưa đón gây ùn xe, huyên náo, ồn ào, đậu xe gây mất trật tự trong khu phố” – Thông tin do bạn đọc cung cấp nêu rõ.
Một phụ huynh có con hiện đang học tại Trường tiểu học Trưng Trắc chia sẻ với phóng viên: “Nhiều khi thấy phụ huynh khác cho con đi học thêm, mà mình lại không cho con học thì cũng e ngại các cô sẽ thiếu sự quan tâm, chăm sóc trong lớp”.
Để có thêm những thông tin khách quan, rõ ràng về những phản ánh của bạn đọc, vào những ngày cuối tháng 10, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên tục có nhiều buổi thực tế về địa chỉ tổ chức dạy thêm mà bạn đọc cung cấp.
Theo quan sát của phóng viên, hàng ngày, sau giờ tan học buổi chiều (khoảng sau 16h), khi đã kết thúc ngày học ở trường, một số em học sinh tiểu học của Trường tiểu học Trưng Trắc (Quận 11) thay vì được phụ huynh, người thân chở về nhà thì các em lại được chở đến lớp học thêm của các cô giáo thuê tại địa điểm này.
Do nằm ở địa bàn giáp ranh, nên khoảng cách từ trường đến chỗ học thêm của các em ước chừng chỉ khoảng vài trăm mét.
Theo quan sát của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngôi nhà được các giáo viên thuê dạy thêm có một trệt, hai lầu và một sân thượng. Bên trong có từng phòng được ngăn ra để cho giáo viên thuê dạy thêm, mà trong số đó có không ít người đang là giáo viên của Trường tiểu học Trưng Trắc.
Bên ngoài nhà có treo băng rôn đứng và ngang ghi rõ nội dung: “Trung tâm Tân Phước, Toán – Lý – Hóa từ lớp 6 đến lớp 12” kèm theo là hai số điện thoại để liên hệ.
Một người dân sinh sống trong khu vực này cho hay, ngôi nhà này cho các giáo viên thuê phòng dạy thêm cũng lâu rồi.
“Hàng ngày, cứ vào giờ tan học buổi chiều, phụ huynh chở con đến đây học rất là đông” – người dân này cho biết.
Trong vai là một phụ huynh có nhu cầu tìm lớp học thêm cho con học lớp 3, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã được giới thiệu với cô N. được nói là chủ nhiệm của một lớp tại Trường tiểu học Trưng Trắc.
Cô N. nói mình dạy ở địa điểm này vào các ngày thứ 3,5 trong tuần vào các buổi chiều,
Cùng lúc, cũng với vai là phụ huynh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng được giới thiệu cho cô T. hiện đang chủ nhiệm lớp 2 của Trường tiểu học Trưng Trắc.
Cô T. nói cô dạy ở địa điểm này vào các buổi chiều ngày thứ 2,4 trong khoảng thời gian từ 16h30 đến 18h30 với học phí 800.000 đồng/tháng.
Tại tầng trệt của địa điểm này cũng được cho một giáo viên được cho là đang dạy tại Trường tiểu học Trưng Trắc thuê để dạy thêm.
Tại thời điểm chiều ngày 27/10, khi phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có mặt thì có hàng chục em học sinh rất nhỏ đang ngồi học. Một số em mặc áo đồng phục của Trường tiểu học Trưng Trắc, Quận 11.
Hiệu trưởng và giáo viên liên quan nói gì?
Chiều ngày 29/10, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc làm việc với cô Võ Thị Viễn Nguyên – Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Trắc và những giáo viên có liên quan đến việc phản ánh dạy thêm do bạn đọc cung cấp.
Sau khi nghe thông tin do phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cung cấp, và qua xác minh với giáo viên, cô Võ Thị Viễn Nguyên – hiệu trưởng nhà trường xác nhận rằng, giáo viên dạy thêm tại địa chỉ ở đường Trần Văn Hoàng đều là giáo viên của trường.
Cô T. là giáo viên lớp 2 dạy thêm ở đây cho hay: “Nhà trường phổ biến rất rõ, đầy đủ các quy định về dạy thêm, học thêm, nhưng do phụ huynh nhờ kèm học sinh sau giờ học nên giáo viên mới dạy”.
Thông tin do cô T. cung cấp cho biết, tuần 2 buổi (thứ 2,4), cứ sau giờ tan học buổi chiều thì phụ huynh sẽ chở các em học sinh về đây học lớp học thêm do cô dạy.
Cô B., người dạy căn phòng rất nhỏ ở phía ngoài cho biết, cô dạy lớp 1 của Trường Trưng Trắc, dạy thêm tại đây tuần 2 buổi (thứ 2,4) từ 16h10 đến 18h với học phí 700.000 đồng/tháng.
Cô B. khẳng định mình dạy cho 12 học sinh, trong đó có 8 học sinh cô dạy ở trên lớp chính khóa, 2 học sinh học lớp Lá và 2 học sinh ở trường khác.
“Đến đây chủ yếu các em sẽ được học và rèn mặt chữ” – cô B. nói.
Cũng theo thông tin do cô B. nói với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô thuê phòng này dạy thêm với giá 1 triệu đồng/tháng. Việc thuê phòng dạy thêm đã được cô B. tiến hành từ năm học trước.
Cô B. khẳng định rằng, mình nắm rất rõ thông tư 17 là không được dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học, và biết mình đã vi phạm. Nhà trường cũng phổ biến rất đầy đủ các quy định về dạy thêm, học thêm, tuy nhiên do phụ huynh gửi nên cô mới dạy.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Trắc Võ Thị Viễn Nguyên nhấn mạnh, việc dạy thêm ở bậc tiểu học là không đúng với các quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, và các cô phải dừng lại ngay việc này.
Cô Võ Thị Viễn Nguyên nhấn mạnh, nhà trường sẽ có chấn chỉnh, làm việc lại với các giáo viên vi phạm về dạy thêm học thêm, và sắp tới trong cuộc họp hội đồng sư phạm của trường gần nhất sẽ phổ biến lại kỹ hơn các quy định về dạy thêm, học thêm.
Sáng ngày 30/10, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Tuấn Phong – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 9, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, hiện nay theo đúng quy định tại Quyết định số 2499/QĐ ngày 26/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì việc thành lập trung tâm dạy thêm hiện nay không cần cấp giấy phép.
Cũng theo ông Trần Tuấn Phong, còn với địa chỉ này có được cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp hay không, phường cần phải thành lập đoàn xuống kiểm tra thì mới biết được.
Đồng thời, phường cũng sẽ kiểm tra các quy định về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy có đảm bảo đúng quy định không tại địa điểm được các cô thuê phòng dạy thêm.