Biển xanh - động lực phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam
Trong thế kỷ XXI - thế kỷ của đại dương, phát triển kinh tế biển bền vững đang trở thành một xu thế toàn cầu. Đối với Việt Nam, quốc gia sở hữu hơn 3.260 km đường bờ biển, tiềm năng phát triển kinh tế biển xanh không chỉ là một lựa chọn mà là con đường tất yếu để khẳng định vị thế và bảo đảm an ninh - kinh tế - sinh thái trong dài hạn.

Phát triển kinh tế biển xanh đang là xu hướng của toàn cầu, góp phần trong việc hồi sinh biển và đại dương
Đại dương - động lực tăng trưởng mới của Việt Nam
Từ góc nhìn chiến lược, biển không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là nguồn lực phát triển lớn lao cho quốc gia. Theo Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nước ta đặt mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Đó là một lộ trình đầy tham vọng nhưng hoàn toàn có cơ sở nếu biết cách khai thác tiềm năng kinh tế biển một cách khoa học, hiệu quả và bền vững.
Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá: Biển không chỉ là nơi tập trung nguồn tài nguyên to lớn mà còn là cửa ngõ giao thương của quốc gia. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, việc hướng đến một nền kinh tế biển xanh là bước đi chiến lược để Việt Nam vừa phát triển nhanh, vừa đảm bảo an ninh tài nguyên và môi trường.
Việt Nam hiện đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển và đảo quốc trên thế giới. Với diện tích vùng biển gần 1 triệu km², gấp ba lần diện tích đất liền và tọa lạc tại vị trí chiến lược trên Biển Đông, Việt Nam hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển toàn diện kinh tế biển.
Nguồn tài nguyên biển Việt Nam phong phú và đa dạng: từ dầu khí với trữ lượng khoảng 3 - 4 triệu tấn quy đổi, cho đến tiềm năng điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sóng biển và nguồn lợi thủy sản dồi dào. Các ngành như khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái biển, vận tải hàng hải, công nghiệp cảng biển, logistics và chế biến hải sản đều có dư địa tăng trưởng rộng lớn.
Bên cạnh đó, với hơn 114 cửa sông, 52 vịnh nước sâu và trên 100 vị trí có thể phát triển cảng biển quy mô lớn, miền Trung Việt Nam đang dần trở thành “hành lang kinh tế ven biển” mới. Những vùng ven biển còn là không gian lý tưởng để xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với các cảng biển tổng hợp - hình thức tổ chức không gian kinh tế đặc thù đang chứng minh hiệu quả tại nhiều quốc gia phát triển.
Kinh tế biển của Việt Nam hiện được chia thành hai nhóm hoạt động chính: (i) hoạt động trực tiếp trên biển như khai thác hải sản, dầu khí, du lịch biển, vận tải biển; (ii) hoạt động gián tiếp phục vụ kinh tế biển như đóng tàu, chế biến hải sản, cung cấp dịch vụ logistics, thông tin biển, nghiên cứu và đào tạo nhân lực.
Số liệu năm 2022 cho thấy, GRDP bình quân đầu người tại các tỉnh ven biển đạt 97,2 triệu đồng - cao hơn mức bình quân cả nước (96,6 triệu đồng). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng mạnh từ 8,8 tỷ USD lên gần 11 tỷ USD. Sản lượng nuôi trồng đạt 5,14 triệu tấn, sản lượng khai thác 3,85 triệu tấn. Đặc biệt, 19 khu kinh tế ven biển đã thu hút hơn 550 dự án đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều dự án công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường biển.
Hệ sinh thái biển của Việt Nam rất nhạy cảm. Việc phát triển kinh tế biển theo hướng xanh, tức là dựa trên nguyên tắc sử dụng tài nguyên tái tạo, hạn chế tác động đến hệ sinh thái và tăng hàm lượng công nghệ là cách duy nhất để đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài.

Hướng đến nền kinh tế biển xanh
Việt Nam đang chuyển hướng rõ rệt từ phát triển dựa vào khai thác cạn kiệt tài nguyên sang mô hình kinh tế biển xanh, nghĩa là phát triển dựa trên bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên. Các ngành như điện gió ngoài khơi, điện sóng, điện mặt trời nổi, nuôi trồng và chế biến rong biển, dược liệu biển, du lịch sinh thái, và nghiên cứu công nghệ sinh học biển... đang được coi là những “trụ cột mới” trong tăng trưởng xanh.
Theo đánh giá từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36, nhiều địa phương ven biển đã có bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy phát triển: từ đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, quản lý tài nguyên biển chặt chẽ, đến xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hệ thống chính sách và pháp luật cũng được hoàn thiện theo hướng tích hợp, đồng bộ và bền vững.
Dù tiềm năng là rất lớn, nhưng Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức: ô nhiễm môi trường biển, suy giảm đa dạng sinh học, xung đột giữa các ngành khai thác, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, và đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Để vượt qua những thách thức đó, Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo theo hướng tiếp cận hệ sinh thái, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong điều tra, quan trắc biển, xây dựng cơ sở dữ liệu biển quốc gia. Việc đầu tư vào nghiên cứu khoa học, thiết bị nghiên cứu hiện đại dưới biển, hình thành các trung tâm công nghệ sinh học biển và đào tạo nguồn nhân lực biển là những ưu tiên chiến lược.
TS. Hà Thị Hồng Vân - Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh trong kinh tế biển không thể đạt được nếu chỉ dựa vào tài nguyên. Phải dựa vào công nghệ, vào đổi mới sáng tạo và quản trị hiệu quả. Kinh tế biển xanh là hướng đi dài hạn, cần có tầm nhìn, quyết tâm và nguồn lực đầu tư bền bỉ từ cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế biển xanh chính là con đường Việt Nam phải đi nếu muốn khẳng định vị thế của mình trong thế kỷ đại dương. Với tiềm năng tự nhiên dồi dào, vị trí địa chiến lược quan trọng và quyết tâm chính trị rõ ràng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành sức mạnh, cần một chiến lược đồng bộ - từ hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh đầu tư, đến đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao.
Hành trình hướng ra biển, làm giàu từ biển, vì một tương lai bền vững, không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ mà còn là sứ mệnh chung của toàn xã hội. Biển Việt Nam đang gọi. Và đã đến lúc chúng ta phải trả lời bằng hành động.