Biển xâm thực uy hiếp làng chài ở Quảng Ngãi

Sóng biển lớn, biển động, các vùng ven biển có gió cấp 6, giật cấp 7, 8 tại thời điểm bão số 9, khiến cho khu vực ven biển thôn Thanh Thủy và thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) xảy ra xâm thực biển, điểm sạt lở phát sinh mới, tình trạng nghiêm trọng.

Ông Huỳnh Nga (xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) nói: “Lúc 10 giờ đêm ngày 20-12, sóng biển dâng cao hơn 10m, phủ tới mái nhà đã cuốn trôi bao cát, đá vừa được kè xuống để bảo vệ bờ biển”.

Ông Nga cho biết, sau khi xuất hiện dấu vết sạt lở xâm thực biển mới, lực lượng dân quân, địa phương đã hỗ trợ kè bằng bao cát, đá để chắn sóng, nhưng chỉ sau 1 đêm đã bị sóng cuốn trôi.

Dù được xây dựng kiên cố nhưng nhà ông Nga vẫn bị sóng biển đánh sạt, hư hỏng một phần căn nhà. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Dù được xây dựng kiên cố nhưng nhà ông Nga vẫn bị sóng biển đánh sạt, hư hỏng một phần căn nhà. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Phía sau nhà ông Nga bị sóng đánh sạt vào đêm 20-12. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Phía sau nhà ông Nga bị sóng đánh sạt vào đêm 20-12. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Phần phía sau nhà bếp ông Nga đã bị sóng cuốn 3,5m, hình thành vết nứt dọc dài đến 9m, khả năng sẽ bị kéo sập xuống hoàn toàn. Ông Nga nói: “Do ở gần biển nên nhà tôi đã xây đá và xi măng phần móng căn bếp rất kiên cố, nhưng sóng biển cũng xói lở, cuốn trôi”. Bão số 9 vừa rồi, ông Nga phải di dời đến nhà phía bên trong kiên cố hơn để tránh trú.

Ông Đỗ Tấn Trình (xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) bị mất 1 chiếc thúng, mặc dù ông đã đưa thúng vào phía gần nhà, neo lên bờ, nhưng sóng biển đánh phủ sát tường nhà đã cuốn thúng ra ngoài biển, đánh vỡ toác thúng, thiệt hại gần 5 triệu đồng. Ông Trình nói: “Sóng biển ngày càng nguy hiểm mỗi mùa gió bão, người dân rất mong muốn có kè biển để bảo vệ làng chài Hải Hòa”.

Các khu vực được người dân xây dựng kiên cố bị đánh vỡ toác. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Các khu vực được người dân xây dựng kiên cố bị đánh vỡ toác. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bão số 9 đã làm phát sinh điểm sạt lở bờ biển thôn Thanh Thủy và thôn Phước Thiện (xã Bình Hải) với tổng chiều dài 1.000m, xâm thực vào đất liền từ 1-2m, ảnh hưởng trực tiếp đến 35 nhà, có hiện tượng sạt lở, và đe dọa đến 40 nhà trong khu vực.

Sạt lở bờ biển xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Sạt lở bờ biển xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Sạt lở hình thành nên vách cát cao, ăn sâu vào đất liền. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Sạt lở hình thành nên vách cát cao, ăn sâu vào đất liền. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: “Bão số 9 vừa qua, địa phương cũng thực hiện di dời dân, vừa huy động các lực lượng kè chống bằng bao cát, đá hộc nhưng vẫn bị sóng đánh, cuốn toàn bộ. Địa phương mong muốn các cấp có giải pháp kè kiên cố để bảo vệ làng chài ven biển”.

Cũng trong tình trạng sạt lở ven biển, bão số 9 vừa qua đã gây sạt lở tiếp tục bờ biển thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi (bị sạt lở rất nguy hiểm với chiều dài khoảng 750m), mặc dù trước bão số 9, địa phương đã tổ chức xử lý tạm thời bằng biện pháp đổ đá hộc dọc theo đường bờ biển để hạn chế sạt lở.

Bão số 9 gây thiệt hại đối với tỉnh Quảng Ngãi, trong đó, có 5 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng tại huyện Bình Sơn và thị xã Đức Phổ. Về tàu thuyền có 3 tàu bị chìm, hư hỏng, 60ha diện tích tỏi bị hư hỏng tại huyện đảo Lý Sơn. Về nông nghiệp có 1,75ha rau màu, 1,5ha cây ăn quả bị hư hỏng tại huyện Bình Sơn.

Tính đến ngày 20-12, trên toàn tỉnh đã gieo sạ được 10.381ha lúa vụ Đông Xuân trong thời gian từ ngày 18 đến ngày 20-12, trên địa bàn tỉnh (tập trung tại các huyện đồng bằng) đã có mưa to nên nhiều diện tích gieo sạ vùng trũng, thấp bị ngập nước. Hiện tại, chính quyền địa phương đã thông báo, hướng dẫn nhân dân chủ động tiêu nước trên đồng để hạn chế thiệt hại.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bien-xam-thuc-uy-hiep-lang-chai-o-quang-ngai-783548.html
Zalo