'Biển thủ' hơn 195 tỷ đồng, 2 mẹ con Giám đốc bị truy tố
Mai Thị Thanh Thủy đã sử dụng pháp nhân hai công ty để thỏa thuận yêu cầu 51 khách hàng doanh nghiệp và 80 khách hàng cá nhân tại các tỉnh, thành phố phía Bắc xác nhận thông tin, số liệu trên hóa đơn giá trị gia tăng không phản ánh đúng giá trị giao dịch thực tế. Sau đó chỉ đạo nhân viên không hạch toán, để ngoài sổ sách kế toán số tiền hơn 195 tỷ đồng.
Ngày 23/12, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án Nhân dân TP Hà Nội để sớm đưa ra xét xử sơ thẩm đối với nhóm bị can phạm tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, 5 bị can bị truy tố gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty TNHH Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty là Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987) và Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984), thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty trên.
Cáo trạng xác định, vào năm 1998, Mai Thị Thanh Thủy thành lập Công ty Tài Thắng, ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn sản phẩm thuốc lá, thuốc lào. Đến năm 2009, Thủy tiếp tục thành lập Công ty Tuấn Phát, ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn sản phẩm thuốc lá, thuốc lào và do Lê Tuấn Tú (con trai Thủy) làm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.
Cả hai Công ty Tài Thắng, Công ty Tuấn Phát là hai pháp nhân độc lập nhưng thực tế đều do Thủy chỉ đạo hoạt động và Tú hỗ trợ điều hành. Cả hai công ty của mẹ con Thủy cùng sử dụng chung bộ máy nhân sự gồm kế toán, thủ quỹ, nhân viên kinh doanh, lái xe... và có cùng trụ sở tại số 45 Nguyễn Siêu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Thời gian từ năm 2017 đến tháng 9/2023, Thủy đã sử dụng hai pháp nhân Công ty Tài Thắng và Công ty Tuấn Phát để ký các hợp đồng làm nhà phân phối cấp 1 và phân phối độc quyền khoảng 30 nhãn hiệu sản phẩm thuốc lá (Sài Gòn vàng, bạc, xanh; Du lịch; Thăng Long...).
Quá trình kinh doanh, với mục đích sử dụng số tiền lợi nhuận từ bán hàng vào các công việc cá nhân và các hoạt động khác của hai doanh nghiệp nhưng không có tài liệu, chứng từ để hạch toán chi phí nên Thủy đã lợi dụng vị trí là nhà phân phối cấp 1 và nhà phân phối độc quyền để thỏa thuận; yêu cầu khách hàng phải đồng ý việc ghi giá trị hàng hóa trên hóa đơn mua bán thấp hơn giá trị thanh toán thực tế và chuyển lại cho bị can số tiền chênh lệch ngoài hóa đơn.
Các sản phẩm thuốc lá từ Công ty Tài Thắng, Công ty Tuấn Phát bán ra 51 doanh nghiệp và 80 cá nhân tại 31 tỉnh, thành phố phía Bắc buộc phải đồng ý thực hiện theo yêu cầu, thỏa thuận của Mai Thị Thanh Thủy.
Hàng năm, Thủy và con trai là Lê Tuấn Tú sử dụng pháp nhân hai công ty ký các hợp đồng nguyên tắc bán sản phẩm thuốc lá cho khách hàng nhưng không ghi giá bán hàng hóa; việc xác định giá bán hàng được căn cứ vào đơn hàng tại các thời điểm giao hàng cụ thể. Mỗi lần khách hàng có nhu cầu mua hàng, Thủy và Tú trực tiếp trao đổi hoặc giao cho Đinh Thị Lan Hương, Nguyễn Thị Phương liên hệ, thông báo với khách hàng giá bán thực tế và giá ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng (thấp hơn giá bán thực tế 5-12%). Số tiền để ngoài hóa đơn đối với từng khách hàng cụ thể đều do Thủy và Tú quyết định.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kết luận, Thủy đã sử dụng pháp nhân hai công ty để thỏa thuận yêu cầu 51 khách hàng doanh nghiệp và 80 khách hàng cá nhân tại các tỉnh, thành phố phía Bắc xác nhận thông tin, số liệu trên hóa đơn giá trị gia tăng không phản ánh đúng giá trị giao dịch thực tế. Sau đó chỉ đạo nhân viên không hạch toán, để ngoài sổ sách kế toán số tiền hơn 195 tỷ đồng.
Đối với Lê Tuấn Tú có vai trò giúp sức cho Thủy trong việc liên hệ, thỏa thuận với khách hàng và chỉ đạo, điều hành hoạt động hai công ty; 3 bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm với Thủy trong việc thỏa thuận với khách hàng, hạch toán kế toán, lập báo cáo tài chính, báo cáo thuế không phản ánh đúng tài sản của đơn vị kế toán, để ngoài sổ sách kế toán trên 195 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 47 tỷ đồng.
Đối với nhóm 131 khách hàng (51 doanh nghiệp và 80 cá nhân) mua thuốc lá, cơ quan tố tụng xác định, để phục vụ hoạt động kinh doanh, các khách hàng này phải đồng ý, thực hiện trả tiền ngoài hóa đơn theo yêu cầu của Thủy. Đây là hành vi giúp sức cho Thủy thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, khách hàng không còn lưu giữ tài liệu hoặc có lưu giữ nhưng không đầy đủ (trong việc chi tiền ngoài hóa đơn); việc theo dõi tiền ngoài hóa đơn trên sổ sách nội bộ của hai công ty không thể xác định được chính xác từng khách hàng trả bao nhiêu tiền ngoài hóa đơn và không có căn cứ xác định thiệt hại của từng khách hàng gây ra. Về hành vi này, cơ quan điều tra không đủ căn cứ xử lý hình sự.