Biến thể Omicron và khác biệt Đông-Tây trong lộ trình sống chung với Covid-19
Trong khi một số quốc gia phương Tây đang chấp nhận sự lây lan của biến thể Omicron như một bước để sống chung với Covid-19 thì các nền kinh tế châu Á lại đang thắt thặt biên giới và các hạn chế để ngăn chặn nguy cơ làn sóng lây nhiễm mới.
Điều này đã cho thấy sự khác biệt giữa các nước trong lựa chọn con đường sống chung với Covid-19 trong bối cảnh đại dịch đã bước sang năm thứ 3 liên tiếp và các biến thể mới của virus SARS-CoC-2 vẫn không ngừng xuất hiện.
“Omicron rất khó kiểm soát, dễ lây lan hơn nhưng hầu hết lại không gây ra mối đe dọa đáng kể nào. Song nếu mẫu số trở nên quá lớn, thì tử số cũng sẽ trở nên khó kiểm soát", đánh giá của chuyên gia Kentaro Iwata tại Đại học Kobe đã phần nào phác họa cách biến thể Omicron gây lo ngại thế giới hiện nay.
Cũng giống như Trung Quốc đại lục, Hong Kong tới nay vẫn bám trụ chiến thuật “Zero Covid-19”. Giới chức Hong Kong hồi tuần này đã cấm các chuyến bay từ 8 quốc gia, trong đó có Mỹ và Anh, tăng gấp đôi các hạn chế biên giới, đồng thời đặt ra những quy tắc nghiêm ngặt về giãn cách xã hội như buộc các quán ba và phòng tập thể dục phải đóng cửa, cấm các nhà hàng ăn uống hoạt động sau 18h.
Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore cũng yêu cầu kiểm dịch bắt buộc đối với tất cả khách quốc tế kể từ cuối năm 2021, trong khi Nhật Bản cấm nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài không phải là thường trú nhân.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh: “Số lượng ca nhiễm mới đang gia tăng trên toàn quốc từ cuối năm 2021 đến đầu năm nay. Rõ ràng biến thể Omicron đang lây truyền trong cho cộng đồng ở nhiều nơi. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi đã nhận được yêu cầu của thống đốc các tỉnh Hiroshima, Yamaguchi và Okinawa để áp dụng các biện pháp bán khẩn cấp. Chính phủ đã quyết định rằng cần phải ứng phó ngay lập tức với sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm ở ba khu vực này".
Lập trường thận trọng của châu Á trái ngược với các quốc gia như Mỹ, Anh và Australia, vốn vẫn đang phải chứng kiến sự gia tăng kỷ lục số ca mắc hàng ngày. Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison hồi tuần này tuyên bố, “những ngày phong tỏa đã không còn nữa”. Giới chức địa phương cũng nới lỏng quy định xét nghiệm và cách ly để giảm nhẹ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và gián đoạn trong kinh doanh.
Còn tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson bày tỏ hi vọng đất nước sẽ vượt qua làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron hiện nay mà không phải áp đặt thêm các hạn chế: “Cùng với Kế hoạch B mà chính phủ đã triển khai trước Giáng sinh, chúng ca có cơ hội vượt qua làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron này mà không phải đóng cửa đất nước một lần nữa. Chúng ta có thể giữ cho các trường học và doanh nghiệp mở cửa và có thể tìm ra cách để sống chung với virus này. Tuy nhiên, những tuần sắp tới sẽ đầy thách thức ở cả Anh và trên toàn thế giới".
Mặc dù Omicron, được cho là có khả năng lây truyền cao gấp 2-3 lần so với Delta, đã gây áp lực lên các bệnh viện ở cả Australia và Anh, song các ca tử vong và phải chăm sóc đặc biệt vẫn ở dưới mức đỉnh trước đó.
Giáo sư về bệnh truyền nhiễm Ooi Eng Eong tại Trường Y Duke-NUS ở Singapore cho rằng, tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, việc thu hẹp quy mô các biện pháp có thể sẽ có lợi nếu được cân nhắc và lựa chọn theo từng giai đoạn một cách cẩn thận. Mỗi quốc gia cần thông báo và chuẩn bị cho người dân trước khi nới lỏng biện pháp phong tỏa bởi sự hiểu nhầm kết hợp cùng tin giả có thể dẫn đến mất lòng tin của công chúng vào giới chức y tế và gây ảnh hưởng đến các chương trình phòng chống dịch Covid-19./.