Biến thể Omicron nguy hiểm đến mức nào?

WHO cảnh báo rằng khả năng lây lan xa hơn của Omicron ở cấp độ toàn cầu là cao và nguy cơ tái nhiễm cao hơn các dạng biến thể khác. Do vậy, làn sóng Covid-19 trong tương lai có thể xảy ra và gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguy cơ lây lan mạnh

Báo cáo cập nhật mới nhất của WHO chỉ rõ: "Omicron có số lượng đột biến chưa từng có, trong đó có một số đột biến đáng lo ngại liên quan đến nguy cơ thay đổi quỹ đạo đại dịch. Rủi ro toàn cầu tổng thể liên quan đến biến thể mới được đánh giá là rất cao".

Trước sự xuất hiện của biến thể mới được cho là có khả năng lây lan quá mạnh, làm tăng mức độ nặng và giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ngay lập tức triệu tập một nhóm chuyên gia, Nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus, để đánh giá biến thể này và đã chỉ định biến thể này là một biến thể đáng quan ngại mới với tên gọi là Omicron.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu ở Nam Phi và khắp nơi trên thế giới đang tiến hành các nghiên cứu để hiểu rõ hơn về nhiều khía cạnh của Omicron và sẽ tiếp tục chia sẻ những kết quả của những nghiên cứu này ngay khi có số liệu.

Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đồng thời kêu gọi 194 quốc gia thành viên đẩy nhanh việc tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên cao để "đảm bảo các kế hoạch giảm thiểu được áp dụng" nhằm duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu.

Đột biến trong protein gai của biến thể Omicron. (Ảnh: New York Times)

Theo WHO, cho đến nay, không có trường hợp tử vong nào liên quan đến Omicron được báo cáo, nhưng cần nghiên cứu thêm để đánh giá khả năng kháng vaccine hay né hệ miễn dịch của Omicron.

"Các ca bệnh ngày càng tăng, bất kể sự thay đổi về mức độ nghiêm trọng, có thể gây áp lực quá lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và có thể dẫn đến gia tăng tỉ lệ mắc bệnh và tử vong. Tác động đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương sẽ rất đáng kể, đặc biệt là ở các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp" - WHO cảnh báo.

Bên cạnh đó, WHO cảnh báo rằng khả năng lây lan xa hơn của Omicron ở cấp độ toàn cầu là cao. "Có thể có thêm các làn sóng Covid-19 trong tương lai và có thể gây hậu quả nghiêm trọng".

Biến thể Omicron hay B.1.1.529 có thể lây nhiễm mạnh hơn khoảng 500% so với biến thể Delta, một nhà dịch tễ học hàng đầu cho biết. Omicron được cho là có 32 đột biến trong protein gai. Biến thể SARS-CoV-2 mới này đồng thời được cho là có khả năng né miễn dịch ở những người tiêm vaccine Covid-19 và từng nhiễm Covid-19 trước đó.

Điều đáng lo ngại là loại biến thể là hoàn toàn khác so với bản gốc xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc và lúc đầu được gọi là B.1.1.529. Hiện nay, các ca nhiễm biến thể này chủ yếu tập trung tại một số nơi ở Nam Phi (đầu tiên phát hiện 77 ca ở tỉnh Gauteng và 04 ca ở Botswana), có những dấu hiệu cho thấy, nó có thể đã lan rộng hơn.

Liệu vaccine có thể khống chế đc biến thể Omicron?

Để đối phó hiệu quả hơn với biến thể mới, nhiều hãng dược lớn đã bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất loại vaccine đặc hiệu chống lại Omicron.

Hãng Pfizer cho biết tập đoàn này có thể sản xuất và phân phối phiên bản nâng cấp của vaccine Covid-19 trong vòng 100 ngày, nếu biến thể mới Omicron có khả năng kháng các loại vaccine hiện tại. Pfizer và BioNTech đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước để có thể nhanh chóng điều chỉnh vaccine mRNA trong vòng 6 tuần và xuất xưởng các lô đầu tiên trong vòng 100 ngày trong trường hợp có biến thể kháng lại vaccine cũ.

Nhiều hãng dược lớn bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất loại vaccine đặc hiệu chống lại Omicron.

Tuy nhiên, theo nhận định của Giám đốc điều hành Moderna - Stephane Bancel, vaccine Covid-19 không có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Omicron. Biến thể Omicron có số lượng lớn đột biến và đang lây lan nhanh chóng. Do đó, các lô vaccine sẽ cần phải điều chỉnh liều lượng.

Moderna cho biết hãng dược phẩm này đang nghiên cứu vaccine liều cao và vaccine mới dành riêng cho Omicron. Dự kiến có thể đưa vaccine mới vào thử nghiệm trong vòng 60-90 ngày. Ngoài ra, việc biến thể Covid-19 kháng vaccine có thể dẫn đến nhiều trường hợp nhiễm bệnh, trong khi các ca nhập viện tăng cao. Điều đó sẽ khiến cho đại dịch kéo dài.

Biến thể Omicron đang dấy lên nỗi sợ hãi trên toàn cầu. Mặc dù thông tin về mức độ nghiêm trọng của biến thể này vẫn cần chờ thời gian để khẳng định, song nhiều quốc gia trên thế giới đã đóng biên nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Trong khi đó, công ty dược phẩm Shionogi & Co. của Nhật Bản cho biết đang xem xét phát triển vaccine phòng biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2. Công ty này đã bắt đầu chuẩn bị sản xuất các hoạt chất sẽ được dùng làm cơ sở để phát triển vaccine ngừa biến thể Omicron, vốn được đánh giá là có khả năng lây nhiễm cao hoặc làm tăng nguy cơ tái nhiễm đối với những người đã mắc Covid-19 trước đó.

Ngoài ra, Shionogi cũng đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vaccine phòng Covid-19, đặt mục tiêu đưa vào sử dụng từ tháng Ba tới. Dự kiến, đây sẽ là loại vaccine ngừa Covid-19 nội địa đầu tiên của Nhật Bản.

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 29/11 thông báo vaccine Sputnik V hoạt động hiệu quả trước biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 và hiện đơn vị này đang phát triển một phiên bản vaccine Sputnik khác để tiêm liều tăng cường.

Theo RDIF, trong trường hợp cần thiết, phiên bản mới của vaccine Sputnik nhằm ngừa biến thể Omicron có thể được sản xuất quy mô lớn trong 45 ngày tới. Hàng trăm triệu liều vaccine Sputnik Omicron dùng cho mũi tiêm tăng cường có thể được cung cấp cho các thị trường vào tháng 2/2020 và khoảng 3 tỉ liều trong cả năm 2022.

Việt Nam chủ động ứng phó

Hiện Omicron đang lây lan nhiều nơi với các ca mới được phát hiện tại Hà Lan, Đan Mạch, Úc, Israel, Ý, Pháp, Canada, Hồng Kông… Vì thế, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới với một số nước có ca nhiễm Omicron để làm giảm đà lây lan của nó. WHO cũng đang làm việc với các chuyên gia để hiểu tác động tiềm tàng của biến thể này, để đưa ra các biện pháp đối phó, trong đó có cả việc hoàn thiện và sản xuất vaccine.

Các chuyên gia khuyến cáo cần tuân thủ 5K để phòng biến chủng Omicron. (Ảnh: moh.gov.vn)

Theo Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam đến nay qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo tuân thủ 5K và tiêm vaccine phòng Covid-19 là các biện pháp quan trọng để phòng biến chủng mới có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta.

Trước sự đe dọa của biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2, ngày 29/11, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch.

Chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.

Đồng thời yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi; Báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Lan Anh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bien-the-omicron-nguy-hiem-den-muc-nao-61508.html
Zalo