Biến thể Omicron đã xuất hiện ở hơn 20 quốc gia

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đến nay đã có ít nhất 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron.

Số liệu thống kê của trang worldometers.info cập nhật đến 6 giờ sáng 2/12 (giờ Việt Nam) cho thấy, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 263.689.837 ca, trong đó có 5.241.046 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 636.129 trường hợp mắc COVID-19 và 7.684 ca tử vong.

Việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước. Tại cuộc họp báo ngày 1/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ít nhất 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Biarritz, Pháp. Ảnh: AFP

Trong ngày 1/12, tiếp tục có thêm nhiều nước ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron, như Hàn Quốc, Ireland, Na Uy, Đan Mạch, Saudi Arabia, Ghana, Nigeria. Diễn biến dịch phức tạp đã khiến WHO đưa ra khuyến nghị về an toàn đi lại, theo đó người chưa hoàn thành tiêm vaccine và có nguy cơ cao lây nhiễm không nên đến các khu vực có lây nhiễm trong cộng đồng.

Ngoài ra, WHO khuyến nghị các nước áp dụng cách tiếp cận dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế và bằng chứng rõ ràng khi đưa ra các biện pháp đối với hoạt động đi lại.

Sự lây lan nhanh chóng của Omicron cũng khiến Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định rằng đã đến lúc Liên minh châu Âu (EU) nên nghĩ đến việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Theo bà Leyen, đến nay 1/3 trong tổng số 450 triệu dân EU vẫn chưa được tiêm phòng và EU chưa có cách tiếp cận chung về việc tiêm vaccine bắt buộc. Bà von der Leyen cũng cho rằng hằng ngày EU cần đánh giá lại các biện pháp hạn chế đi lại của mình và nhanh chóng triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường nhằm bảo vệ người dân khỏi biến thể Omicron.

Đồng quan điểm với Chủ tịch EC, Thủ tướng tương lai của Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này có thể áp đặt quy định bắt buộc tiêm vaccine và đề xuất có thể bắt đầu việc này từ tháng 2 hoặc tháng 3/2022. Ông Scholz cũng ủng hộ việc áp đặt quy tắc 2G đối với khách hàng tới các cửa hàng bán lẻ, nghĩa là chỉ những người đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 mới được phép đến mua hàng.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Robert Koch (RKI), số ca tử vong theo ngày tại Đức đã liên tục tăng trong một tuần qua, với 446 ca ghi nhận được trong ngày 1/12, mức cao nhất theo ngày kể từ ngày 20/2/2021. Nhiều bệnh viện đang phải vật lộn với việc số ca bệnh nặng gia tăng nhanh.

Trong khi đó, Pháp đã quyết định kéo dài ít nhất đến ngày 4/12 lệnh tạm dừng các chuyến bay từ các nước miền Nam châu Phi, khu vực mà biến thể Omicron đang lây lan nhanh. Người nhập cảnh Pháp từ các nước ngoài EU sẽ bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, dù đã tiêm đủ vaccine hay chưa.

Cùng ngày, Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết sẽ không do dự siết chặt các biện pháp hạn chế trong dịp lễ Giáng Sinh nếu cần kiểm soát sự gia tăng số ca nhiễm gần đây.

Dù là một trong những nước có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới, sự gia tăng số ca nhiễm gần đây và sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến Chính phủ Bồ Đào Nha tái áp đặt một số biện pháp hạn chế từ ngày 1/12, như bắt buộc đeo khẩu trang khi tham gia sự kiện trong phòng kín, khuyến nghị làm việc từ xa khi có thể, và yêu cầu mọi hành khách đi đường hàng không phải có xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh dù đã tiêm phòng đầy đủ. Chỉ có ngoại lệ duy nhất là người có chứng nhận đã bình phục sau khi nhiễm SARS-CoV-2 và trẻ em dưới 12 tuổi.

Trong khi đó, Hàn Quốc xem xét áp dụng các biện pháp bổ sung để ngăn chặn biến thể Omicron, trong bối cảnh nước này ghi nhận 5.123 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó có 5.075 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số bệnh nhân nặng cũng lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch là 723 người. Đây cũng là lần đầu tiên số bệnh nhân nặng tại Hàn Quốc vượt mốc 700 ca.

Trong một diễn biến khác, các nước thành viên WHO đã nhất trí tiến hành đàm phán xây dựng một hiệp ước quốc tế nhằm ngăn chặn và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Tại phiên họp đặc biệt kéo dài 3 ngày của Hội đồng Y tế thế giới ở Geneva (Thụy Sĩ), 194 nước thành viên của WHO đã thông qua nghị quyết thành lập một cơ quan đàm phán liên chính phủ nhằm thảo luận và phác thảo về một hiệp ước, thỏa thuận hoặc công cụ quốc tế khác nhằm ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Cuộc họp đầu tiên của cơ quan này sẽ diễn ra muộn nhất là vào ngày 1/3/2022 nhằm chọn ra 2 đồng chủ tịch và 4 vị phó chủ tịch. Báo cáo tiến độ sẽ được trình tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng Y tế thế giới vào năm 2023 với kết quả cuối cùng sẽ được đưa ra xem xét tại phiên họp năm 2024.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bien-the-omicron-da-xuat-hien-o-hon-20-quoc-gia-post169950.html
Zalo