Biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa sẽ gây lãng phí ngân sách
Nếu Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa riêng, có thể sẽ lãng phí ngân sách nhà nước và kinh phí của tổ chức, nhà xuất bản đã đầu tư cho những bộ sách trước đó.
Mới đây, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội khóa XV tranh luận sôi nổi về việc yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội, tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ.
Tôi khá bất ngờ về cuộc tranh luận này với hai khuynh hướng chính: tán thành và không tán thành. Tôi không nghĩ vấn đề này được bàn cãi sôi nổi vì giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Theo tôi, nguyên nhân nhiều đại biểu chưa thông với yêu cầu làm một bộ sách giáo khoa “của Nhà nước” vì cho rằng điều đó vừa thiếu các căn cứ pháp lý, khoa học, thực tiễn, vừa dễ dẫn đến hậu quả đẩy lùi xã hội hóa, trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Điểm mới nhất của Nghị quyết 88 về sách giáo khoa là: “Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.”. Tuy nhiên, do lần đầu thực hiện xã hội hóa, chưa lường trước được sự sẵn sàng và năng lực của các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Tuy nhiên, 4 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vừa qua cho thấy chủ trương xã hội hóa đã được thực hiện tốt. Chính vì vậy, năm 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 122/2020 quy định: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa. Nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”.
Ngoài ra, tôi có cùng thắc mắc với một số đại biểu Quốc hội về việc, dù ngày 11/8 Văn phòng Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa, thế nhưng đến ngày 23/8 tức 12 ngày sau, Văn phòng mới gửi công văn yêu cầu báo cáo bổ sung một số thông tin. Cụ thể, thông tin về chính sách về sách giáo khoa của một số nước ở châu Âu, Đông Nam Á, Trung Quốc và Hoa Kỳ; Tỷ lệ quốc gia ở châu Âu, Đông Nam Á mà Nhà nước không chủ trì biên soạn và sở hữu bản quyền sách giáo khoa; Số lượng quốc gia trên thế giới mà Nhà nước chỉ ban hành chương trình và coi sách giáo khoa là học liệu...
Không hiểu vì sao mãi 12 ngày sau khi ký Báo cáo giám sát, Văn phòng Quốc hội mới hỏi Bộ GD&ĐT về những thông tin quan trọng như vậy.
Tôi thấy rằng việc yêu cầu có một bộ “sách giáo khoa chuẩn” là quan niệm rất cũ, không phù hợp với Nghị quyết 88. Theo tinh thần Nghị quyết 88, dù Bộ GD&ĐT có đứng ra biên soạn một bộ sách giáo khoa “của Bộ” thì vẫn sẽ “được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”. Nghị quyết không hề sử dụng khái niệm “sách giáo khoa chuẩn”.
Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng ở các nước phát triển, người ta chỉ đề cập đến “chương trình chuẩn” và “chuẩn chương trình”, chứ không hề có khái niệm “sách giáo khoa chuẩn”. Ở những nước này, ai cũng có thể biên soạn sách giáo khoa và sách ấy có thể được đưa vào dạy trong nhà trường, nếu nó phù hợp với chương trình hoặc chuẩn chương trình và được giáo viên lựa chọn.
Nếu nói rằng Bộ GD&ĐT không đứng ra biên soạn bộ sách giáo khoa “của Nhà nước” nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đứng ra làm lúa gạo “của Bộ”, Bộ Y tế không tổ chức sản xuất thuốc “của Bộ”,… cũng là buông lỏng quản lý nhà nước trong những lĩnh vực này hay sao?
Để bênh vực đề nghị giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa, có người lập luận rằng phải có bộ sách giáo khoa “của Nhà nước” thì mới quản lý được giá sách giáo khoa.
Tôi xin trích lời đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tranh luận về vấn đề này: “Nếu có vấn đề về giá thì khắc phục vấn đề này. Có thể trợ cấp hay huy động để cho mượn sách giáo khoa, ủng hộ các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa. Chứ không phải chúng ta thay thế bằng cách “đẻ” ra một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, làm sao mà giải quyết được vấn đề! Nếu không giải quyết được vấn đề thì sao?”.
Cùng với đó, theo quy định sách giáo khoa thuộc mặt hàng phải kê khai giá. Các doanh nghiệp chỉ được niêm yết giá sách sau khi đã được Bộ Tài chính xem xét bảng kê giá, chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp được tùy ý định giá.
Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, tới nay đã có 6 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đầy đủ sách giáo khoa của tất cả các môn học. Đến thời điểm này, chúng ta đã triển khai đổi mới đến những lớp cuối cùng của cả ba cấp học, tình hình diễn ra thuận lợi, đúng lộ trình mà Quốc hội đề ra.
Dĩ nhiên là trong quá trình triển khai vẫn có những hạn chế cần khắc phục như một số địa phương để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, tiêu cực trong lựa chọn sách giáo khoa, lúng túng trong triển khai một số môn học tích hợp, đồng thời một số sách giáo khoa vẫn còn có “sạn”,… nhưng thêm một bộ sách giáo khoa của Nhà nước không giải quyết được những hạn chế này.
Không những thế, việc đó có thể dẫn đến nguy cơ đẩy lùi xã hội hóa, đồng thời làm lãng phí ngân sách nhà nước và kinh phí mà các tổ chức, cá nhân đã đầu tư, phân tán sự tập trung của ngành Giáo dục vào việc giải quyết những vấn đề cấp thiết hơn nhiều.